Nguồn vốn giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tín dụng chính sách trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khác có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thông tin từ PGD NHCSXH huyện Thạnh Hóa, đến hết tháng 6/2023, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn huyện là 327 tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ của nguồn vốn vay giải quyết việc làm là 44 tỉ đồng, giúp tạo việc làm mới cho 200 lao động. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả, hàng năm, PGD NHCSXH huyện Thạnh Hóa phối hợp UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai, thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, rà soát chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc bình xét cho vay bảo đảm công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định.
Đơn cử như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (khu phố 2, thị trấn Thạnh Hóa) vay nguồn vốn giải quyết việc làm 80 triệu đồng để mua máy móc và vật liệu làm bún tươi. Hiện mỗi ngày, gia đình chị sản xuất khoảng 200kg bún để giao cho các sạp, cửa hàng, quán ăn trên địa bàn huyện. Ước tính, trung bình mỗi ngày sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình chị thu nhập từ 400.000-500.000 đồng. “Trước đây, tôi được PGD NHCSXH huyện hỗ trợ vay 50 triệu đồng để sản xuất bún tươi. Sau khi hoàn thành kỳ hạn vay, tôi được nâng mức cho vay lên 80 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, tôi mua thêm nhiều máy móc và vật liệu làm bún, kinh tế gia đình từ đó cũng ổn định hơn” - chị Mai chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Quyên (khu phố 1, thị trấn Thạnh Hóa) được PGD NHCSXH huyện hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng để trồng khoai mỡ và rau sạch. Chị Quyên bộc bạch: “Với nguồn vốn vay được hỗ trợ, gia đình tôi đầu tư trồng 0,7ha khoai mỡ và rau sạch. Theo đó, các loại rau như ngò rí, húng cây, đậu bắp, tắc,... được gia đình tôi trồng theo hướng sạch, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, vì vậy được nhiều khách hàng tin dùng. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Các điểm giao dịch đều được trang bị đầy đủ biển hiệu, bảng chỉ dẫn, nội quy giao dịch, hòm thư góp ý, niêm yết, cập nhật kịp thời thông báo lãi suất cho vay,... Hoạt động của tổ giao dịch được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định và được PGD NHCSXH huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời rút kinh nghiệm nhằm từng bước nâng cao chất lượng giao dịch cơ sở. Hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch ở các xã, thị trấn ngày càng đi vào nề nếp và ổn định.
Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Thạnh Hóa - Lữ Thanh Hòa cho biết: “Thời gian tới, PGD NHCSXH huyện tiếp tục chủ động lồng ghép với các chương trình cho vay khác nhằm tạo nguồn lực đủ lớn để người dân có thể đầu tư phát triển sản xuất; đồng thời, tiếp tục phối hợp tuyên truyền sâu, rộng các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đến người dân và các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ theo đúng quy định, bảo đảm nhanh chóng, chính xác”.
Nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ PGD NHCSXH huyện Thạnh Hóa không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân mà còn góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Đây là tiền đề quan trọng góp phần giúp huyện Thạnh Hóa hoàn thành tốt những chỉ tiêu về phát triển KT-XH năm 2023./.