Nguồn vốn rẻ vẫn dồi dào

Từ đầu năm đến nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Trên cơ sở chỉ đạo điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm mạnh, qua đó góp phần hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời các ngân hàng đã công bố thông tin lãi suất cho vay trên website của ngân hàng. Cụ thể, lãi suất đối với các giao dịch mới và cũ của các TCTD tiếp tục có xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm 2024, tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so với cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay các giao dịch phát sinh mới của các NHTM tiếp tục giảm nhưng có xu hướng chậm lại, tính đến 30/6/2024, lãi suất cho vay ở mức 6,47%/năm, giảm 0,62%/năm so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay cũng đang chịu sức ép nhất định từ việc lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, lãi suất đầu vào đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, lãi suất USD trên thế giới, lợi tức đầu tư so với các kênh chứng khoán, bất động sản, vàng. Mặt bằng lãi suất tìm đến điểm cân bằng mới là phù hợp. Điều này cũng tạo sức ép lên lãi suất cho vay trong thời gian tới. Một số doanh nghiệp bày tỏ lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn ưu đãi để xoay vòng kinh doanh trong cao điểm mùa cuối năm.

Về vấn đề này, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, thường thì lãi suất đầu vào tăng thì ngân hàng sẽ cân nhắc tăng lãi suất đầu ra. Song thời điểm này tín dụng còn chậm nên lãi vay khó có thể sớm tăng, mà giữ ít nhất từ nay đến cuối năm để kích cầu vốn. Còn theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB khẳng định, chưa bao giờ cạnh tranh cho vay khốc liệt như hiện nay, nên để mở rộng được tín dụng, lãi suất cho vay khó tăng.

Thực tế, hiện tại các ngân hàng cũng đang rất tích cực tung nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Đơn cử như Agribank hiện đang chủ động dành 200.000 tỷ đồng triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có nhiều chương trình phù hợp với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm, thủy sản như: Agribank đồng hành cùng OCOP; ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; cho vay doanh nghiệp SMEs; ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Ở nhóm NHTM cổ phần, Sacombank hiện cung cấp gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm dành cho khách hàng có nhu cầu mua, xây, sửa chữa bất động sản; mua xe; sắm sửa các vật dụng, thiết bị cần thiết nhằm phục vụ đời sống. Gói vay dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2024. Tại MSB, ngân hàng này đang triển khai gói tín dụng ưu đãi với lãi suất chỉ từ 6,2%/năm cho nhu cầu vay vốn kinh doanh. Theo đó, khách hàng hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ vay bổ sung vốn lưu động phục vụ mùa kinh doanh năm 2024 sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi, hạn mức cho vay lên tới 20 tỷ đồng…

Đại diện ngân hàng cho biết, trên cơ sở nền lãi suất thấp trong thời gian qua, cộng với nhiều phương án chủ động từ phía ngân hàng như đưa ra mức lãi suất ưu đãi, miễn giảm hoàn toàn nhiều loại phí giao dịch, ngân hàng tin tưởng sẽ góp phần tạo thêm động lực cho khách hàng về nguồn lực, gia tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trong năm 2024.

Bên cạnh giảm lãi suất, triển khai gói tín dụng ưu đãi, lãnh đạo SHB cho biết, ngân hàng cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp như: cải cách, rút gọn các thủ tục hành chính, cung cấp các giải pháp tài chính/ tài trợ tín dụng theo chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm nền tảng công nghệ số… từ đó giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận tiện, nhanh chóng.

Với xu hướng lãi suất huy động tăng diễn ra trên diện rộng cho thấy, lãi suất cho vay cũng sẽ khó có thể giảm thêm. Theo đánh giá của giới chuyên môn, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các NHTM đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nguon-von-re-van-doi-dao-154447.html