Nguy cơ giảm phát của kinh tế Trung Quốc

Theo số liệu được Cục Thống kế quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9/9, Chỉ số giá sản xuất công nghiệp của nước này giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, lớn nhất trong 4 tháng.

Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Financial Times, ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ xảy ra giảm phát đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau khi số liệu mới công bố cho thấy Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc (PPI) đã giảm trong tháng Tám vừa qua.

Theo số liệu được Cục Thống kế quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9/9, Chỉ số giá sản xuất công nghiệp của nước này giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, lớn nhất trong 4 tháng. Mức giảm này là khá nhiều so với mức giảm 0,8% của tháng Bảy trước đó và cao hơn dự báo giảm của các nhà phân tích là 1,4%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của

Trung Quốc đã tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích là 0,7% trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters, nhưng cao hơn mức tăng 0,5% của tháng Bảy.

Số liệu mới nhất cho thấy nhiều nhà sản xuất, chế biến thực phẩm và các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc đang gánh chịu hậu quả từ nhu cầu ảm đạm trên toàn nền kinh tế. Chuyên gia Fred Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại ngân hàng HSBC, cho biết trong khi CPI thường chịu ảnh hưởng bởi biến động giá thực phẩm, giá sản xuất là dấu hiệu của các xu hướng cơ bản. Ông cho biết: “Vẫn cần có nhiều biện pháp chính sách tác động đến cầu hơn nữa để tăng áp lực giá nhằm hấp thụ công suất dư thừa trong nền kinh tế”.

Giảm phát tiềm ẩn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà quan sát đối với kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh vào tuần trước, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương cảnh báo nước này cần “chính sách tài khóa chủ động” và các biện pháp tiền tệ “thích ứng” để hỗ trợ nhu cầu.

Các nhà kinh tế lo ngại rằng nếu nguy cơ giảm phát không hạ nhiệt, các công ty sẽ giảm đầu tư và chi phí, tiền lương và cả hoạt động tuyển dụng khi môi trường giá xuống thấp làm xói mòn lợi nhuận của họ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những người hưởng lương, khiến tiêu dùng giảm. Tình trạng suy giảm trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã bước sang năm thứ ba và làm giảm nhu cầu trong nước trong khi sự cạnh tranh gay gắt trong sản xuất đang đẩy giá xuống.

Giám đốc Thống kê của Cục Đô thị thuộc NBS Dong Lijuan nhấn mạnh rằng giá sản phẩm liên quan đến thép, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và năng lượng giảm là một trong những nguyên nhân khiến giá sản xuất giảm. CPI của tháng 8/2024 chứng kiến mức tăng mạnh. Giá thịt lợn một lần nữa đóng vai trò trong sự gia tăng này.

Ngân hàng Goldman Sachs cho biết sự gia tăng lạm phát giá thực phẩm phản ánh tác động của thời tiết xấu đối với nguồn cung trái cây và rau quả trong tháng 8/2024. Theo ngân hàng này, “cả lạm phát giá phi thực phẩm và lạm phát cơ bản đều giảm nhẹ trong tháng 8/2024, cho thấy nhu cầu trong nước tiếp tục suy yếu”.

Theo Goldman Sachs, giá sản xuất đã chịu ảnh hưởng bởi giá hàng hóa giảm và nhu cầu yếu. Tuy nhiên, tình trạng giảm phát giá sản xuất sẽ giảm dần và chỉ số CPI sẽ vẫn ở mức tương đối thấp trong những tháng tới. Trong một phân tích trước khi NBS công bố số liệu, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cho rằng các hộ gia đình đang “duy trì chi tiêu chặt chẽ trước tình hình giá bất động sản giảm và thị trường việc làm không ổn định”.

Moody's cho biết mức tăng giá thịt lợn gần đây đã giúp ngăn chặn tình trạng giảm phát hoàn toàn quay trở lại, nhưng “đừng nhầm lẫn, áp lực lạm phát cơ bản là không đáng kể”. Về giá công nghiệp, theo Moody's, “tăng trưởng chậm lại trong sản lượng công nghiệp đã trùng hợp với việc giảm giá để thu hút khách hàng”.

Hữu Tiến (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguy-co-giam-phat-cua-kinh-te-trung-quoc/346511.html