Ngưỡng chịu động đất của các công trình ở TP.HCM đến đâu?

Các công trình nằm trong vùng động đất thì phải được thiết kế có sức kháng chịu động đất.

Trưa 28-3, một trận động đất đã xảy ra tại Myanmar với độ lớn lên tới 7.3, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Trận động đất đã gây ảnh hưởng đến một số quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á, khiến nhiều công trình ở Myanmar và Thái Lan đổ sập.

 Người dân TP.HCM tháo chạy khỏi các tòa nhà trưa 28-3 vì có hiện tượng rung lắc. Ảnh: NT

Người dân TP.HCM tháo chạy khỏi các tòa nhà trưa 28-3 vì có hiện tượng rung lắc. Ảnh: NT

Tại Việt Nam, người dân ở nhiều tỉnh thành, trong đó có TP.HCM cho biết họ cảm nhận được cơn rung chấn của động đất. Nhiều người đang ở trong các tòa nhà cao tầng đã vội chạy ra đường vì cảm nhận được rung lắc mạnh.

Trước vấn đề này, câu hỏi được đặt ra là các công trình ở TP.HCM được thiết kế có ngưỡng kháng chịu động đất ở mức nào?

Liên quan vấn đề này, kỹ sư xây dựng Trần Nguyên Việt cho biết khi thiết kế công trình xây dựng phải quan tâm đến điều kiện địa chất ở từng khu vực. Trường hợp xây dựng công trình nằm trong vùng động đất thì phải thiết kế theo ngưỡng tác động mà động đất có thể gây ra.

Tiêu chuẩn Việt Nam thiết kế dựa vào gia tốc nền của từng khu vực, với giá trị gia tốc nền hiện tại thì ở Việt Nam đang xây dựng thiết kế tương ứng khoảng cấp động đất gần 6 độ Richter ở miền Nam và gần 7 độ Richter ở miền Bắc.

"Thông thường dựa vào bảng số liệu gia tốc nền theo Quy chuẩn QC02:2022 để xác định có cần thiết tính toán thiết kế kháng chịu động đất hay không. Nếu gia tốc nền tính toán ag > 0.08g thì thiết kế có xét đến cấu tạo kháng chấn" - ông Việt cho biết.

Cùng vấn đề này, TS Đỗ Thanh Hải, giảng viên khoa Kỹ thuật xây dựng-Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ theo Tiêu chuẩn TCVN 9386:2012, giá trị gia tốc nền được chia thành ba ngưỡng: ag ≥ 0,08g thì công trình phải tính toán và cấu tạo kháng chấn; 0,04g ≤ ag < 0,08g thì chỉ cần áp dụng các giải pháp kháng chấn đã được giảm nhẹ; ag < 0,04g thì không cần thiết kế kháng chấn.

"Tại TP.HCM, dựa vào bảng phân vùng gia tốc nền theo địa danh hành chính, chỉ có khu vực TP Thủ Đức là có giá trị đỉnh gia tốc nền lớn nhất ag = 0.06g. Các vùng khác còn thấp hơn ngưỡng này nên nhìn chung chỉ cần áp dụng các giải pháp kháng chấn đã được giảm nhẹ khi thiết kế công trình ở TP.HCM"- TS Đỗ Thanh Hải nói.

Theo các chuyên gia nhận định, TP.HCM rất ít khả năng xảy ra động đất. Tuy nhiên, TP từng chịu một số dư chấn khiến các nhà cao tầng rung nhẹ, gần đây nhất là dư chấn gây rung lắc vào chiều 28-3.

Khi ra động đất cần làm gì?

Theo Sở TN&MT TP.HCM khả năng xảy ra động đất, sóng thần ở TP.HCM là rất nhỏ, tuy nhiên người dân cũng cần trang bị kỹ năng để ứng phó.

Theo đó, quy tắc chung là người dân không được chạy ra khỏi nhà khi đang có chấn động do động đất gây ra, cần phải bình tĩnh đợi đến khi kết thúc. Khi cảm thấy nền đất hay tòa nhà rung động, lập tức chạy đến vị trí an toàn như chui xuống gầm bàn chắc chắn, bàn học hoặc lánh vào góc phòng để tránh các vật nặng hay mảnh vỡ rơi xuống đầu. Đến khi chấn động ngừng, bình tĩnh rời khỏi phòng, nhà.

Nếu người dân đang ở nhà cao tầng, không chạy vào thang máy, không gây ùn tắc ở cầu thang, khi di chuyển cần có vật che đầu, dùng đèn pin trong trường hợp mất điện, tránh dùng nến dễ gây hỏa hoạn. Trường hợp người dân đang ở ngoài đường thì phải chạy tránh xa các tòa cao ốc, tường cao, cây cối và đường dây điện. Nếu đang lái xe, ngừng ở lề đường nhưng tránh xa cột điện, dây điện, gầm cầu...

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguong-chiu-dong-dat-cua-cac-cong-trinh-o-tphcm-den-dau-post841414.html