Những công nghệ hiện đại trong tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân động đất

Động đất là thảm họa thiên nhiên gây ra sự tàn phá nghiêm trọng và đòi hỏi các phương pháp cứu hộ nhanh chóng, hiệu quả. Công nghệ hiện đại đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Sau khi trận động đất ở Myanmar-Thái Lan xảy ra hôm 28/3, một trong những vấn đề được dư luận thế giới quan tâm là công tác khắc phục thảm họa và ứng dụng công nghệ trong hoạt động cứu hộ. Dưới đây là những công nghệ tiên tiến đã và đang được sử dụng trong công tác cứu hộ động đất trên toàn thế giới.

Cảm biến nhiệt và radar xuyên vật liệu

Công nghệ cảm biến nhiệt giúp phát hiện sự sống bằng cách xác định nhiệt độ cơ thể con người dưới lớp bê tông hoặc đất đá. Một số thiết bị radar xuyên vật liệu như FINDER (Finding Individuals for Disaster Emergency Response) có kích thước to như một chiếc vali của NASA có khả năng phát hiện nhịp tim hoặc hơi thở yếu ớt của nạn nhân dưới những đống đổ nát sâu 12 m.

 Thiết bị FINDER được đội cứu hộ của Bộ An ninh nội địa Mỹ sử dụng trong trận động đất ở Nepal năm 2015. Ảnh: Universe Magazine.

Thiết bị FINDER được đội cứu hộ của Bộ An ninh nội địa Mỹ sử dụng trong trận động đất ở Nepal năm 2015. Ảnh: Universe Magazine.

Trong trận động đất ở Nepal năm 2015, 2 thiết bị FINDER được gửi đến quốc gia này để hỗ trợ các đội tìm kiếm cứu nạn. Nhờ có thiết bị FINDER của NASA, đội tìm kiếm của Mỹ đến hỗ trợ Nepal đã cứu sống được 4 nạn nhân bị mắc kẹt ở độ sâu gần 4 m bên dưới các đống gạch vụn, bùn và sắt thép.

Vệ tinh và máy bay không người lái

Máy bay không người lái (drone) dùng trong cứu hộ được trang bị camera hồng ngoại, cảm biến khí gas và hệ thống định vị tiên tiến giúp quét khu vực bị ảnh hưởng nhanh chóng, cung cấp hình ảnh thời gian thực để lực lượng cứu hộ lập kế hoạch tiếp cận hiệu quả.

Cũng trong trận động đất ở Nepal, công ty Aeryon Labs của Canada đã gửi 3 chiếc drone đến hỗ trợ cứu nạn. Drone của Aeryon Labs được trang bị hệ thống camera dò nhiệt để tìm kiếm người còn kẹt bên dưới những đống đổ nát, và các ống kính cho phép nhận diện gương mặt từ khoảng cách xa 300 m. Drone còn có khả năng lập bản đồ 2D và 3D của khu vực bị ảnh hưởng của động đất, cũng như phân phát lương thực và thuốc men đến các vùng hẻo lánh.

 Drone của Aeryon Labs sử dụng trong trận động đất ở Nepal. Ảnh: Reuters.

Drone của Aeryon Labs sử dụng trong trận động đất ở Nepal. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh drone, người ta còn sử dụng vệ tinh để thu thập, phân tích hình ảnh toàn bộ khu vực thảm họa. Công ty vệ tinh Digital Global (Mỹ) đã tham gia vào quá trình cứu hộ.

Các vệ tinh của Digital Global bay ở độ cao hơn 600 km so với mực nước biển và chụp ảnh với độ phân giải 31 cm - mỗi megapixel ảnh tương ứng với 31 cm² trên mặt đất. Những hình ảnh này đã được cung cấp cho các đội cứu hộ cứu nạn để xác định những con đường và tòa nhà bị hư hại, đánh dấu vị trí bị lở đất hay cộng đồng dân cư bị mất nhà cửa.

Nhờ có cơ sở dữ liệu của Digital Global mà chính quyền Nepal tính toán được mức độ thiệt hại cũng như nhận biết nơi nào cần ưu tiên trợ giúp.

Trong trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria năm 2023, drone đã giúp xác định các khu vực có khả năng còn người sống sót, giúp đội cứu hộ triển khai chiến lược cứu trợ nhanh chóng.

Robot cứu hộ

Các loại robot tìm kiếm và cứu hộ có hình dạng như con rắn (snake robot) có thể bò qua các khe hẹp trong đống đổ nát để phát hiện dấu hiệu sự sống. Những robot này thường được trang bị camera, microphone và cảm biến môi trường giúp lực lượng cứu hộ tiếp cận nạn nhân mà không cần đào bới nguy hiểm.

Snake robot có thể trườn, lăn, đứng lên để vượt qua chướng ngại vật và leo trèo trên nhiều bề mặt khác nhau. Tại trận động đất Mexico năm 2017, một nhóm từ Đại học Carnegie Mellon đã triển khai Snake robot tại một tòa nhà bị sập ở Mexico City. Mặc dù không tìm thấy người sống sót nhưng robot đã hoạt động tốt, truyền video về cho đội cứu hộ bên ngoài, giúp họ tập trung vào các khu vực khác và tiết kiệm nhân lực.

Còn trong thảm họa động đất tại Nhật Bản năm 2011, đội cứu hộ đã sử dụng loại robot điều khiển từ xa Active Scope Camera, di chuyển như rắn, dài khoảng 8 mét, được trang bị lông mao dễ rung động, có khả năng trườn với tốc độ gần 4,6 cm/giây, vượt qua những nơi chật hẹp tại vùng bị động đất Sendai.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu

AI đang được sử dụng để phân tích dữ liệu từ drone, vệ tinh và cảm biến mặt đất nhằm xác định các khu vực có khả năng có nạn nhân cao nhất. Những thuật toán này giúp tối ưu hóa chiến lược cứu hộ, tiết kiệm thời gian và tài nguyên.

Trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, hệ thống AI mang tên xView2 đã được triển khai để phân tích hình ảnh vệ tinh và phân loại mức độ thiệt hại trong khu vực thảm họa. Hệ thống này sử dụng thuật toán học máy để xác định các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giúp các đội cứu hộ ưu tiên nguồn lực và tăng hiệu quả tìm kiếm nạn nhân.

Ứng dụng mạng xã hội

Bên cạnh các công nghệ hiện đại, mạng xã hội cũng đóng vai trò là một công cụ để cung cấp thông tin về người thân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Chẳng hạn như ứng dụng Safety Check của Facebook cho phép người sử dụng ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc thảm họa thông báo họ có an toàn hay không. Người dùng cũng có thể tìm bạn bè, người thân ở khu vực bị ảnh hưởng, từ đó nhận được thông báo về tình trạng của họ.

Google cũng có một công cụ tương tự được gọi là Person Finder, được đưa ra vào năm 2010 trong trận động đất ở Haiti. Ứng dụng này có tính năng như một cơ sở dữ liệu về những người bị mất tích. Người dùng dễ dàng thu thập thông tin về tên, giới tính, tuổi tác, địa chỉ hay tiểu sử trên mạng xã hội. Đối với những người không thể truy cập Internet, Person Finder có thể được sử dụng thông qua dịch vụ tin nhắn SMS.

 Ứng dụng Person Finder của Google

Ứng dụng Person Finder của Google

Tóm lại, công nghệ đang thay đổi cách chúng ta tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân sau động đất. Với sự phát triển liên tục của AI, drone, radar xuyên vật liệu và robot cứu hộ, hy vọng rằng trong tương lai, các phương pháp cứu hộ sẽ ngày càng hiệu quả hơn, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản trong các thảm họa thiên nhiên.

Tổng hợp

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhung-cong-nghe-hien-dai-trong-tim-kiem-va-cuu-ho-nan-nhan-dong-dat-post184090.html