NGƯT Phạm Thị Kiều Vân - Nữ hiệu trưởng trường vùng cao hết lòng vì học trò
Cô Phạm Thị Kiều Vân là hiệu trưởng đầy tâm huyết trách nhiệm, trái tim yêu thương nhân hậu và giàu lòng trắc ẩn.
Tôi rất tâm đắc với một câu nói, đại ý là: "Trên đời này, người ta có thể ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy nhưng chỉ cảm động đến rơi nước mắt trước sự chân thành, lòng tốt và việc tử tế". Sau chuyến thiện nguyện cùng với một công ty ở Hà Nội đến điểm trường vùng cao của xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái sau khi cơn bão Yagi hình ảnh một Nhà giáo hết lòng với con trẻ nơi đây khiến tôi rất nể phục và ngưỡng mộ.
Một nhà giáo có trái tim yêu thương, nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn
Đó là cô Phạm Thị Kiều Vân, sinh năm 1979, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Là người con sinh ra và lớn lên trên quê hương mình công tác, cô đã nắm rõ hoàn cảnh của đa số học sinh nơi đây. Các em phần lớn là người dân tộc, trong đó có hai thôn đặc biệt, chỉ có người Cao Lan – một trong những dân tộc ít người ở Việt Nam. Cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, thấu hiểu điều này nên sau khi được chuyển về ngôi trường Hòa Cuông hiện nay làm hiệu trưởng, ngay trong năm học 2018 – 2019, cô Vân đã phát động học sinh các lớp phong trào “Nuôi heo đất” để giúp bạn đến trường. Bản thân cô và các thầy cô giáo là những người gương mẫu đầu tiên. Đây cũng là mô hình điển hình tiên tiến của huyện Trấn Yên mà nhà trường là đơn vị đi tiên phong. Cuối năm học đó, toàn trường đã “nuôi” được 301 con heo đất với tổng số tiền trên 140 triệu đồng. Nhờ đó mà nhiều học sinh được tiếp tục đến trường để nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Nghĩa cử cao đẹp mà nhà trường giáo dục học sinh đã tác động đến nhận thức của nhiều em và được thể hiện bằng những hành động ý nghĩa. Ngoài phong trào nuôi heo đất tiết kiệm, cô Vân còn phát động tới học sinh toàn trường quyên góp sách vở và đồ dùng học tập, tặng quà Tết và thực hiện miễn giảm học phí cho những em có hoàn cảnh khó khăn.
Về phía Nhà trường, Ban Giám hiệu đã lập kế hoạch thực hiện phương châm tiết kiệm một cách tối đa những khoản chi không cần thiết để hỗ trợ học sinh khó khăn. Những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực đó không chỉ giúp đỡ và động viên các em yên tâm tới trường mà còn giáo dục truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” tới tất cả học sinh. Nhà trường trở thành nơi nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn, bản tính thiện lương trong mỗi học trò.
Và điều mà tôi cảm phục nhất ở cô Vân là những việc làm sau cơn bão lịch sử Yagi vào ngày mồng 7 tháng 9 năm 2024 vừa qua. Mặc dù không nằm ở vị trí tâm bão đi qua nhưng nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã bị thiệt hại nặng nề, trong đó có huyện Trấn Yên ở tỉnh Yên Bái.
Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, cô Vân đã họp Ban lãnh đạo Nhà trường, rà soát, phân loại từng đối tượng học sinh, lên danh sách cụ thể để có kế hoạch giúp đỡ kịp thời, nhất định không để cho một em nào phải nghỉ học. Đồng thời huy động mọi nguồn lực, các mối quan hệ từ cá nhân đến doanh nghiệp gần xa, kêu gọi các nhà hảo tâm để xin hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí cho 340 học sinh Mầm non và Tiểu học. Còn học sinh trung học cơ sở chỉ học nửa ngày, không ăn bán trú ở trường nhưng cũng cần được hỗ trợ về lương thực và các đồ dùng khác.
Bằng sự linh hoạt, khéo léo, huy động mọi mối quan hệ, tất cả xuất phát từ tình yêu thương học trò, cô Vân cùng Ban Giám hiệu đã được nhiều cá nhân và tập thể ở các nơi đến tài trợ những nhu yếu phẩm, thực phẩm, vật dụng cần thiết. Những chuyến xe ở khắp mọi nơi cứ nối tiếp nhau chở lương thực, thực phẩm, các loại rau củ quả rồi quần áo, sách vở, đồ dùng học tập… đến tiếp tế cho điểm trường.
Năng động, sáng tạo, tận tình, trách nhiệm và “say” chuyên môn, tâm huyết với nghề
Không chỉ hết lòng yêu thương chăm lo cho học sinh, cô Vân còn là một cán bộ quản lí tận tình trách nhiệm, năng động sáng tạo. Đến nay, sau 6 năm làm Hiệu trường, cô đã đưa Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hòa Cuông trở thành một điểm sáng về những mô hình điển hình tiên tiến trong toàn huyện như “nuôi lợn khuyến học”, “dạy học gắn với văn hóa địa phương”, xây dựng “trường học hạnh phúc”… Với những đức tính rất đáng quý như chịu khó, ham học hỏi, khiêm nhường, kiên nhẫn, luôn biết lắng nghe, có ý thức cầu thị, thông minh, sáng tạo, dám nghĩ dám làm…, cô đã làm thay đổi về chất lượng dạy và học, đưa vị thế của nhà trường đi lên.
Một ngôi trường với tổng số 33 giáo viên mà có tới 10 thầy cô đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, chiếm tới 1/3. Trong đó có những cá nhân xuất sắc được ngành giáo dục tặng Bằng khen. Đặc biệt, cô Hiệu trưởng đã được phong tặng danh hiệu cao quý: “Nhà giáo ưu tú” theo Quyết định của Chủ tịch nước ngày 26 tháng 7 năm 2024 - một danh hiệu cao quý và là mơ ước của tất cả giáo viên. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho một giáo viên – cán bộ quản lý đã cống hiến hết mình bằng công sức trí tuệ, sự trăn trở, lăn lộn bám trường bám lớp, tận tụy, kiên nhẫn, tâm huyết để đưa chất lượng dạy và học đi lên, làm thay đổi mọi góc nhìn về nhà trường.
Từ đơn vị ít thành tích trong các cơ sở giáo dục của huyện, trường vươn lên dẫn đầu khối thi đua trong cụm thi đua số 4 của các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hòa Cuông trong toàn huyện, được Sở Giáo dục và Đào tỉnh Yên Bái khen tặng là đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen. Đồng thời cũng là trường đi đầu về các mô hình điển hình tiên tiến trong huyện, được các trường khác học tập. Học sinh ngoan và đạt nhiều giải trong các cuộc thi cấp tỉnh, huyện. Những kết quả đạt được như vậy đã nói lên tất cả. Thành tích của tập thể nhưng có sự đóng góp to lớn của người đứng đầu trong công tác quản lý.
Về chuyên môn, cô luôn sát sao, tâm huyết với nghề. Làm Phó Hiệu trưởng rồi đến Hiệu trưởng, cô còn tham gia dạy bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Cô còn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trấn Yên và Sở Giáo dục tỉnh Yên Bái tín nhiệm cử chọn là giáo viên cốt cán bộ môn Ngữ văn của Phòng, của Sở; là giám khảo các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Ngữ văn. Đặc biệt, trong 5 năm liên tục gần đây, từ 2019 – 2020 đến 2023 – 2024, cô đã có 5 sáng kiến kinh nghiệm (sáng kiến sáng tạo) được công nhận ở cấp huyện, tỉnh và áp dụng có hiệu quả tại nhà trường.