GS.TS Chử Đức Trình: Để nhà khoa học trẻ là đảng viên 'dám nghĩ dám làm'
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ cho hay, để phát huy tinh thần sáng tạo, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, Trường đã phấn đấu nâng cao thu nhập của người lao động, tạo sự cạnh tranh.
Đảng viên trẻ là “hạt giống đỏ” xây dựng đội ngũ khoa học đầu đàn
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, một đất nước phát triển thì nghĩa là các bộ phận trong một đất nước phải phát triển. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Các doanh nghiệp, các cái trường đại học, kể cả công ngập dân lập mạnh… đất nước mới mạnh.
Mà để trường đại học mạnh, thì vai trò của nhà khoa họclà đảng viênrất quan trọng. Khi là một đảng viên, họ sẽ ý thức được rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, đó là dẫn dắt, lãnh đạo được quần chúng trong đơn vị, để cơ sở đó đi lên, không chỉ theo hướng lớn của toàn quốc, mà phải đi theo cả "hướng nhỏ của đơn vị.
“Đảng viên phải đi trước, dẫn dắt được các cán bộ quần chúng, các sinh viên đơn vị đó làm tốt nhiệm vụ chinh trị của từng người. Chẳng hạn, đối với giảng viên, nhiệm vụ chính trị là nghiên cứu khoa học tốt, truyền đạt kiến thức tốt, truyền động lực đến sinh viên. Còn đối với sinh viên, nhiệm vụ chính trị là học tốt, kỷ luật tốt, tham gia tốt các phòng trào của nhà trường. Khi mỗi người làm tốt nhất nhiệm vụ chính trị của mình, tổ hợp lại sẽ thành nhiệm vụ tốt nhất của đơn vị, từ đó đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, GS.TS Chử Đức Trình cho hay.
GS.TS Chử Đức Trình cho biết, trong thời gian vừa qua, Trường Đại học Công nghệ đã thực hiện triệt để mô hình Đảng lãnh đạo toàn diện, gắn với yêu cầu thực tế của sự phát triển đơn vị thông qua thiết chế khác như Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Các chính sách của Đảng ủy, chiến lược phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm của Trường thông qua các nghị quyết, các quyết định đã tác động trực tiếp đến các hoạt động và giá trị hàng ngày.
Trong đó, đặc biệt, số lượng đảng viên là nhà khoa học trẻ, sinh viên, học viên của Nhà trường chiếm tỷ lệ nhiều hơn 60% trong tổng số đảng viên. Các đảng viên trẻ nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm, trách nhiệm tự chủ và làm chủ trong các hoạt động của Nhà trường.
“Nhà khoa học trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng và là đối tượng chính trong cách chính sách của Nhà trường. Hầu hết, các nhà khoa học trẻ của Nhà trường được đào tạo Tiến sĩ ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Hơn nữa, họ là những người thuộc thế hệ trẻ nên rất gần gũi và dễ dàng làm việc, dẫn dắt các khóa sinh viên. Giảng viên trẻ sẽ là cầu nối giữa các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh với cộng đồng khoa học thế giới. Nhà nghiên cứu khoa học trẻ là động lực chính cho sự phát triển của Trường Đại học Công nghệ.
“Đảng ủy Nhà trường luôn có chính sách bồi dưỡng kết nạp các nhà khoa học trẻ trở thành các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, họ chính là “hạt giống đỏ” trong xây dựng đội ngũ khoa học đầu đàn, đầu ngành nước ta trong nhiều năm tới, tham gia vào hệ thống quản trị, lãnh đạo các cấp và cũng sẽ là nhân lực dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ đồng hành với chủ trương của Đảng trong triển khai Nghị quyết 57”, ông Trình nói.
Phát huy tinh thần sáng tạo, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ đảng viên
GS.TS Chử Đức Trình cho hay, Trường Đại học Công nghệ đã phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Với bối cảnh tự chủ đại học, Nhà trường mong muốn mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, giảng viên và người học thể hiện tinh thần tự chủ, làm chủ. Tự chủ đại học cho phép các đơn vị, các giảng viên, cán bộ sáng tạo hơn, chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng hành với tự chủ, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ sẽ là những giá trị nhận được của mỗi bên liên quan. Hiệu quả hoạt động sẽ nâng cao thu nhập của mỗi cán bộ và nâng cao cơ hội học tập, rèn luyện. Do đó nâng cao chuẩn đầu ra của mỗi sinh viên, mỗi người học.
Trong thời gian vừa qua, Nhà trường đã xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ mới. Chúng tôi phấn đấu để các cán bộ trong toàn trường nhận được mức lương tương đương với các trường đại học khác, các doanh nghiệp công nghiệp, thậm chí là các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội và các khu vực lân cận.
Mức lương của giảng viên Nhà trường phấn đấu tương đương với các nhân lực làm việc trong bộ phận R&D của doanh nghiệp FDI. Điều này tạo sự cạnh tranh công bằng trong thu hút nhân lực giữa Nhà trường với các đơn vị, doanh nghiệp khác. Để xây dựng văn hóa làm chủ, tự chủ, Nhà trường đang xây dựng văn hóa làm việc: “Làm theo nhu cầu, hưởng theo năng lực”.
Hệ thống quản trị của Nhà trường luôn đổi mới sáng tạo để khai thác tối đa năng lực của mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn Trường. Nhà trường luôn đồng hành với xã hội với triết lý giáo dục “Sáng tạo và vun đắp giá trị nhân văn của công nghệ”.
“Chúng tôi đào tạo và vun đắp mỗi sinh viên sẽ trở thành một nhà khoa học giỏi, một nhà công nghệ, kỹ thuật giỏi, đồng hành với tinh thần làm việc, cống hiến hăng say, với thái độ nhân văn và xây dựng vì một tương lai tươi sáng của đất nước, của cộng đồng, của mỗi doanh nghiệp, của mỗi đơn vị và của mỗi gia đình”, ông Trình nói.
Hai chính sách có điểm nhấn trong khoa học công nghệ
GS Chử Đức Trình cho biết, Trường Đại học Công nghệ đã tự chủ được 3 năm. Nhận thức rõ, Nhà trường chỉ có thể phát triển khi gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, Nhà trường có một số chính sách trong đồng hành với các nhóm nghiên cứu, các thầy cô và các nhóm sinh viên.
Trong đó, Nhà trường hỗ trợ thầy cô, nhóm nghiên cứu dựa trên kết quả nghiên cứu; đầu tư trực tiếp các nhóm nghiên cứu thông qua hỗ trợ trực tiếp dựa trên kết quả khoa học là bài báo khoa học, sáng chế. Chính sách này, phần nào đã tạo ra động lực rất tốt trong các nhóm nghiên cứu. Do đó, thành tích nghiên cứu khoa học công nghệ của Nhà trường vài năm qua đạt tốc độ phát triển cao.
Năm 2024, Trường có gần 400 bài báo trong nước và quốc tế. Bình quân mỗi thầy cô có khoảng 2,4 bài báo khoa học thuộc danh mục ISI, Scopus/năm. Nhiều cán bộ giảng viên của Nhà trường là nhà khoa học hàng đầu trong nước và trên thế giới. Nhà trường đã có nhiều hợp tác trong đào tạo nhân lực, R&D với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế như Samsung, LG, Viettel, VNPT, Dai Nippon Printing, McNEX, Giaohangtietkiem, FPT, Toshiba…
Thời gian vừa qua, Trường Đại học Công nghệ có hai chính sách có điểm nhấn trong khoa học công nghệ là: Mô hình đầu tư đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (đề tài CN), và Mô hình đào tạo sau đại học.
Trường Đại học Công nghệ thí điểm thực hiện đầu tư một số đề tài cấp cơ sở với thời gian thực hiện từ 3 đến 5 năm, và mức kinh phí lên đến vài tỷ/năm. Kinh phí tài trợ và thời gian thực hiện sẽ dựa trên tầm vóc của sản phẩm tiềm năng của đề tài.
Các nhóm nghiên cứu sẽ được hạn chế tối đa công tác liên quan đến khâu thanh quyết toán tài chính của đề tài. Dựa trên những kê khai, cam kết của nhóm nghiên cứu, kinh phí nhân lực sẽ được cấp trực tiếp vào tiền lương hàng tháng của các thầy cô.
Công tác mua sắm nguyên vật liệu, linh kiện, tham dự hội thảo, xuất bản… sẽ được các phòng chức năng của Nhà trường thực hiện. Cơ chế này cho phép khai thác tối đa thế mạnh và chức năng của từng bộ phận, từng cán bộ, giảng viên. Cơ chế này sẽ đẩy mạnh được sự sáng tạo tối đa của giảng viên, sinh viên trong công tác nghiên cứu và giảng dạy. Thông qua hệ thống quản trị, các phòng chức năng sẽ giữ được sự chặt chẽ trong tổ chức về tài chính, cơ sở vật chất.
"Đề án đầu tư đề tài cấp cơ sở, đề tài CN, của Trường Đại học Công nghệ đã được Đảng ủy, Hội đồng trường thông qua. Đề án đầu tư này sẽ khai thác tối đa tác động của Nghị quyết 57. Tôi tin, chính sách này sẽ là cú hích mạnh mẽ để nâng cao vị thế khoa học công nghệ của Nhà trường", ông Trình nói.
Đối với chính sách đào tạo sau đại học, ông Trình cho biết, từ năm 2025, toàn bộ các học viên cao học và nghiên cứu sinh đều được miễn học phí 100% và cấp học bổng sinh hoạt. Học viên và nghiên cứu sinh sẽ học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia trợ giảng toàn thời gian tại Trường. Ngoài miễn học phí, mỗi học viên cao học nhận hỗ trợ 5 triệu, nghiên cứu sinh nhận hỗ trợ 7 triệu đồng mỗi tháng.
Để triển khai có hiệu quả chính sách này, các nghiên cứu sinh, học viên cao học sẽ được tham gia toàn thời gian vào các nhóm nghiên cứu và tham gia thực hiện đề tài khoa học cùng các giảng viên. Dựa trên thành tích cụ thể của từng học viên, nghiên cứu viên, các nhóm nghiên cứu còn có chính sách khác nhau trong hỗ trợ từng thành viên này. Bên cạnh động viên người học khai thác tối đa tiềm năng nghiên cứu khoa học, chính sách này cũng gắn trách nhiệm cho các thầy cô trong nâng cao năng suất lao động khoa học của các học viên và nghiên cứu sinh.