Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ hiện đang lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng tới các quốc gia khác trên thế giới. Bộ Y tế nhận định nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, vì vậy, bên cạnh việc giám sát dịch bệnh từ cửa khẩu, các cơ sở y tế trên cả nước cần chủ động giám sát, phát hiện ca bệnh sớm.

Biểu hiện bệnh đậu mùa khỉ qua da. Ảnh: BSCC

Biểu hiện bệnh đậu mùa khỉ qua da. Ảnh: BSCC

Hầu hết các ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại các cơ sở y tế

Thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch đậu mùa khỉ; ban hành các hướng dẫn chuyên môn, các khuyến cáo phòng, chống dịch và chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời để nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh...

“Nước ta chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ song nhiều quốc gia trong khu vực đã có ca bệnh. Ấn Độ đã có bệnh nhân tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. Điều này đặt cho hệ thống y tế cần có sự chủ động quyết liệt hơn, làm sao đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch đi trước, chủ động tình huống xảy ra trong quá trình chống dịch, ngăn dịch xâm nhập vào trong nước” - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Vì vậy, việc chủ động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế là hết sức cần thiết.

"Trước hết, cần phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ đậu mùa khỉ để cách ly, điều trị kịp thời. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc ứng phó với các dịch bệnh mới xuất hiện. Hầu hết các ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở các cơ sở khám chữa bệnh. Để phát hiện sớm ca bệnh, cần phải nắm vững các triệu chứng lâm sàng, để gợi ý sau chẩn đoán và có xét nghiệm phù hợp. Thứ 2 là chủ động ứng phó, tăng cường cơ sở vật chất, chuẩn bị sẵn phương tiện cần thiết, thuốc men, nơi cách ly, vật tư... Thứ 3 là phòng lây nhiễm, bảo vệ nhân viên y tế khỏi lây nhiễm đậu mùa khỉ"- ông Nguyễn Trọng Khoa nói.

Cơ sở y tế tuyến xã, huyện hoàn toàn có thể cách ly, điều trị ca bệnh nhẹ

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, sở đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tại Cảng hàng không để phát hiện những trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đồng thời triển khai các biện pháp quản lý, xét nghiệm, phòng, chống dịch. Cùng với đó, triển khai tập huấn, hướng dẫn chuyên môn phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị trong ngành.

"Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập phối hợp với CDC Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện thị xã tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong"- ông Vũ Cao Cương cho hay.

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, hầu hết các ca bệnh đậu mùa khỉ là nhẹ, có một số trường hợp có thể có biến chứng. Trong phân tuyến điều trị, hoàn toàn tuyến xã, huyện có thể thực hiện được việc cách ly, điều trị các ca bệnh nhẹ, không nhất thiết phải đưa bệnh nhân lên tuyến tỉnh hay tuyến trung ương. Đối với tuyến xã, quận, huyện, ngoài việc phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ thì cần quản lý các ca bệnh nhẹ, không triệu chứng, cách ly tạm thời, hội chẩn với bệnh viện tuyến trên và chuyển viện khi có dấu hiệu chuyển nặng, có biến chứng trong nhóm nguy cơ cao. Cần phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở y tế tuyến trên để truyền thông, giám sát nguy cơ và điều trị.

Trong khi đó, cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến trung ương, cần tăng cường cảnh giác các bệnh nhân đến khám và phối hợp y tế tuyến dưới trong việc điều trị các ca bệnh đầu tiên. "Biểu hiện trên da của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thường đến sớm, dễ thấy, vì vậy các cơ sở da liễu, liên quan đến bệnh ngoài da cần chú ý vì có thể nhầm lẫn bệnh ngoài da hoặc thủy đậu"- ông Khoa nói.

Để chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, Bộ Y tế ban hành sớm hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh để khoanh vùng những ca bệnh đầu tiên, sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ diễn biến thành dịch.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng đã sớm phân tuyến điều trị, tránh dồn bệnh nhân về tuyến trên. Cụ thể, tại y tế xã, phường; quận, huyện tiếp nhận điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường. Còn tuyến tỉnh, trung ương điều trị các ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng, gồm: Trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai; ca bệnh có biến chứng nặng.

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị, đó là: Giảm thị lực; giảm ý thức, hôn mê, co giật; suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu; các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.

Liên quan đến vaccine phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam, hiện nay WHO đang làm việc với đối tác để xem có cơ chế tiếp cận vaccine đậu mùa khỉ.

"Có 4 loại vaccine đậu mùa. Nhưng công nghệ sản xuất vaccine đậu mùa thế hệ 1 đã lạc hậu, chúng tôi không khuyến cáo dùng. Vaccine thế hệ 2 của Nhật Bản, hiện nay được Nhật Bản, Mỹ cấp phép, dùng riêng cho đậu mùa, nếu sử dụng phòng ngừa đậu mùa khỉ sẽ thuộc dạng dùng mà không có chỉ dẫn trên nhãn. Hiện 3 thế hệ vaccine đều thiết kế chủ yếu để tiêm chủng phòng đậu mùa, tuy nhiên, do cùng họ, các nghiên cứu gần đây, các vaccine này được cấp phép dựa trên bắc cầu miễn dịch. Thế hệ mới nhất hiện nay sản xuất ở Đan Mạch, đã đăng ký ở Mỹ, Canada..."- đại diện WHO nói.

Theo Lao Động

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/nguy-co-benh-dau-mua-khi-xam-nhap-vao-viet-nam-la-rat-lon-161735.html