Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới

Theo Cục Thú y, nguy cơ tái phát và lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm thời gian tới vẫn ở mức cao. Trong đó, có nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới.

Mới đây, tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Hà Nội, Cục Thú y cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch giảm 60% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 68%; Bệnh cúm gia cầm có số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 63%; Bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch giảm 60%; số trâu, bò mắc bệnh giảm 80%; số chết, tiêu hủy giảm 79%.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Thú y, nguy cơ tái phát và lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm thời gian tới vẫn ở mức cao. Trong đó, có nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới. Virus dịch bệnh này có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ lợn bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi…

Bên cạnh đó, dù Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế, do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn.

Giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến (cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ). Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới. Nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, mặc dù dịch bệnh cơ bản kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu và thi thoảng vẫn xảy ra ở địa phương. Một trong những nguyên nhân là địa phương, người dân còn chủ quan lơ là trong tiêm phòng vaccine tập trung.

Theo ông Nguyễn Văn Long, hiện tất cả các loại vaccine được phép lưu hành tại Việt Nam đều có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và có sự giám sát chặt chẽ. Hàng năm, Cục Thú y và các phòng thí nghiệm quốc tế đều đánh giá tình hình lưu hành mầm bệnh và đánh giá vaccine xem có đủ hiệu lực, hiệu quả hay không.

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguy-co-benh-dich-ta-lon-chau-phi-tai-phat-va-lay-lan-dien-rong-trong-thoi-gian-toi-post271528.html