Tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi đạt thấp, vì sao ?

Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Một trong những giải pháp quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh này đó là tiêm phòng vắc-xin. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiện nay phần lớn cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn thờ ơ, chưa quan tâm tiêm vắc-xin phòng dịch cho đàn lợn.

Chưa phổ biến rộng rãi

Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 45 tỉnh, TP trên cả nước với số lợn buộc tiêu hủy hơn 50 nghìn con. Hiện các tỉnh tiếp giáp với Bắc Giang như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh đang có dịch chưa qua 21 ngày. Theo đó, nguy cơ dịch lây lan, phát sinh vào địa bàn tỉnh là rất cao do hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật. Theo cơ quan chuyên môn, tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp tối ưu phòng tránh dịch tả xâm nhiễm, lây lan. Tuy nhiên, việc tiêm phòng ở các cơ sở chăn nuôi chưa được quan tâm, trong khi hầu hết các ổ dịch đang xảy ra ở những đàn lợn chưa tiêm phòng. Qua nghiên cứu, tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), loại hình chăn nuôi nông hộ có tỷ lệ mắc dịch tả lợn châu Phi lớn nhất, tiếp đến là chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ. Chăn nuôi quy mô trang trại lớn có điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như các biện pháp phòng hộ tốt hơn nên ít xảy ra dịch.

 Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của gia đình ông Thân Chí Chiên, phường Hồng Thái (thị xã Việt Yên).

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của gia đình ông Thân Chí Chiên, phường Hồng Thái (thị xã Việt Yên).

Tại tổ dân phố Đức Liễn, phường Hồng Thái (thị xã Việt Yên), hộ ông Thân Chí Chiên là người đầu tiên tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Gia đình ông Chiên đang nuôi 22 con lợn thương phẩm. Được cán bộ chuyên môn tuyên truyền, nhận thức việc chăn nuôi theo phương thức chuồng hở, tận dụng thức ăn thừa để chế biến cho lợn, nguy cơ nhiễm dịch tả lợn châu Phi cao nên mới đây, ông Chiên đã tiêm vắc-xin phòng dịch này cho đàn lợn. Sau tiêm, lợn khỏe mạnh, không có biểu hiện bỏ ăn hoặc ốm, gia đình ông cũng yên tâm hơn.

Hiện nay, trên thị trường đang lưu hành hai loại vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi gồm: NAVET và AVAC. Các vắc- xin này đều được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành, quá trình thử nghiệm cho kết quả an toàn, đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể. Mặc dù vậy, không ít người chăn nuôi vẫn băn khoăn về hiệu quả, chưa triển khai tiêm cho đàn lợn của mình.

Tại thị xã Việt Yên, hiện có 1 vùng chăn nuôi lợn quy mô khoảng 70 nghìn con, tập trung nhiều ở các xã, phường: Thượng Lan, Minh Đức, Nghĩa Trung, Tự Lạn, Việt Tiến, Hương Mai… Nhưng hầu hết các trang trại ở những xã, phường này chưa quan tâm tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi. Một số chủ trang trại cho biết, dù đã được các đơn vị cung ứng chào mời sử dụng vắc-xin, nhưng do có những thông tin liên quan đến hiệu quả vắc-xin chưa được như mong đợi nên chưa sử dụng, thay vào đó chỉ tập trung thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn.

Hay như trại lợn quy mô hơn 700 con của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng), dù chăn nuôi lợn nhiều năm qua nhưng chưa lần nào ông tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Hỏi lý do, ông Dũng cho biết: “Tôi thấy một số cơ sở chăn nuôi đã từng tiêm vắc-xin này, sau đó lợn vẫn bị chết hoặc kém phát triển nên chưa dám sử dụng”. Ngoài ra, một số hộ cũng phản ánh, khó tìm mua vắc-xin tại các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Dịch tả lợn châu Phi không những gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn tiêu tốn nhiều kinh phí, công sức thực hiện tiêu hủy lợn chết. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc- xin này cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới tiêm phòng được 52 nghìn liều vắc- xin. Lượng vắc-xin chủ yếu do các cơ sở chăn nuôi chủ động mua tiêm phòng. Kết quả này quá khiêm tốn so với tổng đàn lợn thịt toàn tỉnh là hơn 786 nghìn con (tỷ lệ tiêm phòng mới đạt 6,6%).

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới tiêm phòng được 52 nghìn liều vắc- xin phòng dịch tả lợn châu Phi. Lượng vắc-xin chủ yếu do các cơ sở chăn nuôi lợn chủ động mua tiêm phòng. Kết quả này quá khiêm tốn so với tổng đàn lợn thịt toàn tỉnh là hơn 786 nghìn con (tỷ lệ tiêm phòng mới đạt 6,6%).

Theo ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết lên đến 100%. Nguyên nhân tỷ lệ tiêm vắc-xin dịch tả lợn châu Phi đạt thấp do đây là loại vắc-xin mới, giá bán cao (trung bình 60 nghìn đồng/liều). Trong khi thời gian qua, giá thành chăn nuôi lợn tăng cao, không ít người nuôi bị thua lỗ, tình hình dịch bệnh chưa ổn định nên tâm lý nhiều người dân chưa muốn đầu tư. Ngoài ra, nhiều chủ cơ sở chăn nuôi còn hoài nghi vào hiệu quả, khả năng bảo hộ, miễn dịch của vắc-xin.

Bên cạnh đó, do chính quyền các địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ để người chăn nuôi tiêm phòng vắc- xin; chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng chưa rõ ràng. Đặc biệt, cơ quan chức năng chưa đưa vắc-xin dịch tả lợn châu Phi vào chương trình, kế hoạch tiêm phòng bắt buộc như các vắc-xin dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng...

Nhận định thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng còn cao, đặc biệt là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc trước đây đã bị dịch. Cơ quan chức năng khuyến cáo, tiêm vắc-xin là biện pháp rất quan trọng nhưng cần được sử dụng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời kết hợp với các biện pháp khác như: Bảo đảm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bổ sung kháng thể, tăng cường miễn dịch trong phòng, chống dịch...

Cùng đó, các cơ sở chăn nuôi cần thường xuyên sử dụng hóa chất tiêu độc, khử trùng định kỳ 2 lần/tuần, khi có dịch mỗi ngày 1 lần. Đối với các hộ chăn nuôi theo hình thức chuồng hở cần che chắn kỹ, không để các động vật như chó, mèo và một số côn trùng là nhân tố trung gian truyền bệnh tiếp cận chuồng nuôi. Vị trí chuồng nuôi bảo đảm khoảng cách tối thiểu 500 m đối với đường giao thông, chợ buôn bán động vật sống, điểm giết mổ lợn; cách tối thiểu 300 m với khu dân cư, cơ sở chăn nuôi khác.

Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và thú y tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu và chủ động sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Tổ chức hội nghị với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất vắc-xin và hệ thống cửa hàng kinh doanh thuốc thú y nhằm mở rộng hệ thống cung ứng, phân phối vắc-xin. Quan tâm làm tốt việc tập huấn cho người dân, cán bộ làm công tác chăn nuôi, thú y cơ sở kiến thức về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật cũng như sử dụng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tiem-vac-xin-phong-dich-ta-lon-chau-phi-dat-thap-vi-sao-073127.bbg