Nguy cơ biến chứng thai kỳ từ vấn đề răng miệng

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hòa (Viện công nghệ nha khoa Shinbi Dental), chăm sóc răng miệng là điều nên được ưu tiên hàng đầu khi chị em có ý định làm mẹ.

Bác sĩ Hòa chia sẻ, trường hợp này đã xảy ra ở bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Thai phụ mang thai đến tuần thứ 10 thì bị áp xe, rò mủ ở má chảy ra, không há được miệng, sốt cao, nhiễm trùng máu nên phải đình chỉ thai kỳ để dùng kháng sinh toàn thân, phẫu thuật dẫn lưu mủ để cứu được tính mạng người mẹ.

Sau ba tháng đầu, khi thai nhi đã bắt đầu ổn định rồi thì những tai biến trong nha khoa sẽ giảm đi nhiều, thời điểm này dùng thuốc cũng thuận lợi hơn, ít ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, giảm thiểu nguy cơ tạo ra những dị tật bẩm sinh.

Những biến chứng ở thời kỳ đầu ở thai kỳ là không nhiều, nhưng gặp trường hợp nào là có nguy cơ cao trường hợp đó, và sự can thiệp của y học sẽ khá mệt mỏi".

Nguy cơ tiềm ẩn ở 3 tháng đầu thai kỳ

Lý giải cho lời khuyên chị em nên đi khám tổng quát răng miệng trước khi lấy chồng và có ý định sinh con, bác sĩ Hòa phân tích: Khi lấy chồng và có ý định có con, ngoài việc tiêm phòng các loại vắc xin ra thì chị em nên đi khám tổng quát nha khoa. Lý do là bởi chị em luôn có nguy cơ răng khôn mọc ngầm, mọc lệch, mọc phức tạp, hoặc có những vấn đề về răng miệng như răng mọc ngầm, u xương hàm, những bệnh về lợi gây phì đại lợi, gây ra chảy máu, miệng có mùi do những yếu tố nội sinh. Khi khám răng miệng sẽ loại trừ được những nguy cơ cao nhất gây biến chứng.

Việc những nguy cơ biến chứng sẽ rất dễ xảy ra khi phụ nữ bắt đầu mang thai trong 3 tháng đầu, vì thời điểm này chị em thường nghén, ăn kém, khó chịu, thức đêm dẫn tới cơ thể yếu, thì răng số 8 mới bắt đầu mọc lên gây đau. Mà gây đau ở thời điểm này thì rất khó xử lý, vì rất nhiều chị em vẫn mang tư duy cũ là khi có bầu thì không được dùng thuốc vì sợ những biến chứng của thai kỳ ảnh hưởng đến con, đâm ra khó để thuyết phục bệnh nhân dùng thuốc. Bên cạnh đó là việc biến chứng răng miệng sẽ dẫn đến những cơn đau dữ dội, không chịu được, gây sẩy thai. Có những trường hợp không thể nhổ răng được vì bị nhiễm trùng, áp xe, không há được miệng, dẫn đến việc phải đình chỉ thai kỳ trước khi can thiệp nha khoa

Can thiệp sớm và xóa bỏ quan niệm lạc hậu

Theo bác sĩ Hòa, trong giai đoạn mang thai, nếu gặp vấn đề về răng miệng, thai phụ nên đi sớm đi khám, bên cạnh đó là vẫn đi lấy cao răng như bình thường, bởi can thiệp nha khoa sớm sẽ giảm thiểu được việc phải dùng thuốc. Hầu như tất cả kỹ thuật can thiệp nha khoa sẽ không phải dùng thuốc, thậm chí viêm tủy cấp phải điều trị tủy cũng không phải dùng thuốc, nếu bị viêm lợi trong quá trình thai kỳ vẫn có loại nước súc miệng để hạn chế việc sưng lợi, không cần phải dùng thuốc, trừ nhổ răng ra.

"Có những quan niệm dân gian rằng phụ nữ sau khi sinh không nên đánh răng, vì gặp lạnh sau này răng sẽ yếu. Đấy là quan niệm lạc hậu và sai lầm. Phụ nữ sau sinh nên đánh răng bằng nước ấm và thường xuyên đánh răng, tắm ở nơi kín gió, ăn nhiều hoa quả. Chỉ lưu ý là hạn chế ăn đồ lạnh và quá nóng bởi sau khi sinh, dây chằng quanh răng sau khi nội tiết tố tăng lên sẽ bị giãn ra, làm cho răng hơi yếu. Cũng nên ăn đồ mềm, đồ dễ tiêu, giàu sinh dưỡng, hạn chế ăn đồ cứng" - bác sĩ Hòa nói.

Nước muối không phải để súc miệng hằng ngày

Có không ít quảng cáo dùng máy tăm nước, dùng nước súc miệng để làm sạch răng. Về vấn đề này bác sĩ Hòa nêu quan điểm chuyên môn: Máy tăm nước là công cụ rất văn minh, nhưng chỉ nên dùng để bổ trợ chứ không thay thế cho bàn chải, còn nước súc miệng thì có cũng được, không có cũng được. Về việc súc miệng bằng nước muối, thì nước muối là ưu trương, nếu súc miệng nhiều sẽ làm giảm dòng vi khuẩn trong vùng hầu họng, dần dần sẽ làm giảm và mất vị giác. Nước muối không phải để súc miệng hàng ngày. Chỉ nên dùng nước muối trong các trường hợp bất khả kháng, dùng tạm thời thay thế trong một khoảng thời gian ngắn - vài ngày. Đánh răng đúng cách là điều tốt nhất" - Bác sĩ khuyến cáo.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguy-co-bien-chung-thai-ky-tu-van-de-rang-mieng-20221111135318738.htm