Nguy cơ biên giới Trung - Ấn căng thẳng vì... hai cây cầu nhỏ

Bắc Kinh vừa hoàn thành hai cây cầu bắc qua hồ Pangong Tso trên dãy Himalaya - khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

Lý do cây cầu trở thành điểm nóng

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), hai cây cầu mới được xây dựng giữa lúc các cuộc đàm phán giải quyết căng thẳng tại biên giới Trung - Ấn chưa có tín hiệu tích cực.

Từ tháng Giêng năm nay, đã có thông tin rằng chính quyền Trung Quốc đang xây dựng một cây cầu ở điểm hẹp nhất, nối căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Pháo đài Khurnak ở phía Bắc với bờ phía Nam của hồ Pangong Tso. Đó chính là cây cầu đầu tiên, rộng khoảng 8m.

Hình ảnh vệ tinh được ghi nhận trong tháng này cho thấy người Trung Quốc đã xây dựng một cây cầu khác, bên cạnh cây cầu đầu tiên, bắc qua hồ Pangong Tso trên dãy Himalaya.

Truyền thông Ấn Độ ước tính cây cầu này dài khoảng 450m và rộng 10m. Cây cầu thứ hai được Trung Quốc xây dựng chỉ sau cây cầu ban đầu vài tuần.

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một cây cầu Trung Quốc mới xây dựng bắc ngang hồ Pangong Tso. Ảnh: Twitter

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một cây cầu Trung Quốc mới xây dựng bắc ngang hồ Pangong Tso. Ảnh: Twitter

Ông Konchok Stanzin, một quan chức Ấn Độ đại diện cho Chushul trong Hội đồng Phát triển miền núi Tự trị Ladakh (LAHDC) cho biết, cây cầu thứ nhất dường như chỉ là cấu trúc tạm thời.

“Cầu không được chắc chắn cho lắm và có vẻ như chỉ dùng để phục vụ hoạt động vận chuyển người và chịu được các phương tiện hạng nhẹ. Nhưng cây cầu thứ 2 rộng hơn và thậm chí có thể đảm nhận việc vận chuyển máy móc, thiết bị hạng nặng và pháo binh”, ông Stanzin đánh giá.

Ông Konchok Stanzin cũng cho biết, hai cây cầu này cách khu vực tranh chấp chủ chốt ở Pangong Tso chưa đến 20km.

Hồ Pangong Tso dài hơn 130km, chảy qua khắp khu vực biên giới của cả Trung Quốc và Ấn Độ, cụ thể là khu vực Ladakh của Ấn Độ và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát phần lớn.

Theo các tướng lĩnh quân đội Ấn Độ từng hoạt động tại khu vực này, hai cây cầu mới, đặc biệt là cây cầu vững chắc mới nhất, sẽ cho phép quân đội Trung Quốc nhanh chóng di chuyển thiết bị quân sự và nhân sự qua hồ.

Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), thay vì quân đội Trung Quốc phải di chuyển dọc theo vòng cung phía Đông của hồ để đến căn cứ quân sự tại Rutog, cầu mới xây sẽ giảm thời gian đi lại từ 12 giờ xuống còn 3 - 4 giờ.

Cây cầu thứ hai cũng nằm cách đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) đang gây tranh cãi giữa hai nước chỉ vài km và điều này khiến các nhà phân tích Ấn Độ tin rằng, việc xây dựng cây cầu này có thể làm gia tăng mâu thuẫn chính trị, gia tăng quân sự hóa khu vực và làm giảm cơ hội giải quyết tình trạng bế tắc kéo dài hàng thập kỷ.

Đẩy biên giới Trung - Ấn vào tình thế nguy hiểm

Máy ủi hoạt động trên con đường gần hồ Pangong Tso trên dãy Himalaya Ảnh: Kamran Yousuf

Máy ủi hoạt động trên con đường gần hồ Pangong Tso trên dãy Himalaya Ảnh: Kamran Yousuf

Đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) - nơi binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ thường đụng độ - dài hơn 3.000km (1.800 dặm) và nhiều khu vực còn chưa rõ ràng. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực này để tăng cường khẳng định chủ quyền.

“Cả hai bên đều đã rút lực lượng của mình khỏi LAC, nhưng phía Trung Quốc vẫn giữ lại lực lượng của họ ở các khu vực xung quanh Pangong Tso”, ông Rakesh Sharma, Trung tướng đã nghỉ hưu, từng chỉ huy quân đội hoạt động xung quanh Ladakh, phía Bắc của Ấn Độ cho hay.

Ông Rakesh Sharma nói thêm: “Việc Trung Quốc vẫn hiện diện ở Pangong Tso, cùng với cây cầu mới, có thể khiến nhiều người ở New Delhi tin rằng Trung Quốc chưa giảm leo thang”.

Trước đó, khoảng tháng 9/2020, hàng nghìn binh sĩ của cả hai bên đã đối đầu tại Pangong Tso và bắn nhiều phát súng cảnh cáo. Tuy không ai bị thương nhưng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều cáo buộc đối phương là bên nổ súng.

Tới tháng 1 năm ngoái, hai quốc gia đã đồng ý rút quân và tạo ra một vùng đệm tại khu vực này, ở đó, sẽ không có lực lượng tuần tra của cả hai bên.

Tuy nhiên, hai cây cầu mới của Trung Quốc đang đe dọa thỏa thuận. Một số ý kiến còn cho rằng, hai cây cầu nhỏ này có thể làm vô hiệu hóa những tiến bộ đạt được trong tiến trình hòa giải thời gian qua.

Theo ông Sameer Patil, một thành viên cấp cao tại Tổ chức Nghiên cứu quan sát (ORF) có trụ sở tại Delhi, ở một số thời điểm, ý định rút lui của Trung Quốc tại Himalaya là không rõ ràng.

Ông Sameer Patil chỉ ra, mặc dù binh sỹ Trung Quốc ở hồ Pangong Tso và Gogra đã được lệnh rút ra ngoài nhưng sau đó lại được điều đến các khu vực tranh chấp khác, như ở Depsang Plains và Demchok.

Cơ sở hạ tầng cho vùng biên quân sự hóa?

Lực lượng biên phòng của Trung Quốc và Ấn Độ gặp nhau ở đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) vào năm 2018. Ảnh: Twitter

Lực lượng biên phòng của Trung Quốc và Ấn Độ gặp nhau ở đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) vào năm 2018. Ảnh: Twitter

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời nhiều chuyên gia quân sự tin rằng hai cây cầu này có thể giúp Trung Quốc tăng cường số lượng cơ sở hạ tầng tại đây và thậm chí khiến tình hình quân sự hóa ở khu vực Himalaya trở nên nghiêm trọng.

Trên thực tế, cả hai bên đều đã tăng cường đáng kể cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự dọc theo LAC.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Bagchi tuần trước cho biết New Delhi đã “tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng biên giới, đặc biệt là kể từ năm 2014, bao gồm xây dựng cầu đường”.

Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã khánh thành ít nhất 90 con đường và cây cầu ở các khu vực dọc biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, phần nhiều được xây dựng ở Ladakh. Trong khi đó, các quan chức Ấn Độ cũng nói rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các đường băng, căn cứ quân sự và các con đường gần với LAC.

Qua truyền thông Ấn Độ, có thể thấy, chính quyền New Delhi còn lên kế hoạch xây ít nhất 4 sân bay và 37 bãi đỗ trực thăng gần LAC để tăng cường kết nối trong khu vực Ladakh.

Đánh giá tình hình, Trung tướng đã nghỉ hưu của Ấn Độ, ông Deependra Singh Hooda, cho biết căng thẳng giữa hai nước láng giềng đang định hình cuộc chạy đua cơ sở hạ tầng.

“Loại cơ sở hạ tầng mà hai bên cần bây giờ rất khác so với những hạ tầng cần cho một biên giới hòa bình và hai cầy cầu này là một phần của căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia”, ông Hooda nói.

Trong khi đó, ông Konchok Stanzin kêu gọi New Delhi cần phải bắt kịp tốc độ phát triển hạ tầng của Trung Quốc.

Ông này khẳng định: “Ở những khu vực do Trung Quốc kiểm soát, cơ sở hạ tầng mọc lên nhanh chóng và có internet 4G tốc độ cao, trong khi Ấn Độ thậm chí không có kết nối cơ bản ở các làng biên giới. Ngay cả công việc xây dựng đường cơ bản cũng thường rất chậm trễ”.

Tháng 10/2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá việc gia tăng cơ sở hạ tầng biên giới của Ấn Độ là "nguyên nhân gốc rễ" của căng thẳng biên giới.

Trong khi đó, tháng Giêng năm nay, cơ quan này lên tiếng bảo vệ cây cầu đầu tiên của Trung Quốc tại hồ Pangong Tso, khẳng định việc xây dựng cơ sở hạ tầng của họ là nhằm "bảo vệ chủ quyền và an ninh lãnh thổ của Trung Quốc cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ ”.

An Bình (Theo SCMP)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguy-co-bien-gioi-trung-an-cang-thang-vi-hai-cay-cau-nho-d554219.html