Nguy cơ bùng phát dịch rầy nâu trên lúa thu đông tại Hậu Giang

Hơn 10 ngày qua, nhiều nông dân Hậu Giang rất lo lắng khi dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) trên lúa thu đông đang bùng phát trở lại sau 10 năm tạm lắng.

Ông Võ Văn Thêm ngậm ngùi nhổ từng cây lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Ông Võ Văn Thêm ngậm ngùi nhổ từng cây lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Hiện đã có khoảng 4.500 ha lúa thu đông bị nhiễm rầy nâu và hơn 140 ha bị bệnh VL-LXL, trong tổng số hơn 50 nghìn ha gieo sạ của tỉnh. Nếu không phòng trừ đúng cách và triệt để, dịch hại này sẽ còn lây lan trên diện rộng.

Ông Trần Văn Sấy ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy cho hay, 10 công lúa giống OM5451 của ông bị nhiễm rầy nâu với mật độ khá cao, ông đã phun thuốc trừ rầy hơn tuần nay và tới giờ đã tạm ổn, nhưng ông Sấy vẫn rất lo lắng: “Lúa của mình thì quản lý được, chỉ sợ là rầy nâu ở những ruộng lúa xung quanh có thể di trú sang”.

Còn ông Võ Văn Thêm ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy đang xót lòng nhìn 10 công lúa giống OM5451 chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch, nhưng lúa bị bệnh VL-LXL với tỷ lệ khoảng 5%. Nhổ cây lúa bị bệnh không trổ bông được, ông Thêm chia sẻ: “Nếu vụ lúa thu đông năm rồi, năng suất đạt gần bảy tấn/ha, nhưng năm nay, ngoài thời tiết không thuận lợi, còn bị rầy và dịch bệnh này nữa, không biết năng suất được phân nửa năm ngoái hay không? Vụ lúa này thất mùa là cái chắc, hy vọng không thua lỗ là mừng rồi!”.

Điều đáng lưu ý ở đây là những ruộng lúa bị nhiễm rầy nâu đều rơi vào phần diện tích gieo sạ không đúng theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp khuyến cáo.

Theo các nhà chuyên môn, cách đây gần 10 năm, chỉ có năm tỉnh vùng ĐBSCL sản xuất lúa thu đông thì hiện nay cả vùng làm vụ này. Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi đã tạo ra dòng đời rầy nâu được rút ngắn, đặc biệt là tập quán sạ dầy, bón nhiều phân đạm, phun thuốc bảo vệ thực vật phổ rộng cùng với việc bà con nông dân sử dụng giống lúa kháng rầy yếu, điển hình là giống OM5451 chiếm gần 70% diện tích, khiến cho rầy nâu có môi trường thuận lợi để sinh sản.

Trong vụ lúa hè thu vừa qua, dịch rầy nâu đã gây thiệt hại hơn 300 nghìn ha ở ĐBSCL, trong đó có tám nghìn ha lúa bị VL-LXL. Đây là mức thiệt hại nhiều nhất trong khảng 10 năm trở lại đây. Theo dự báo, vụ lúa thu đông này, dịch rầy nâu sẽ tiếp tục bùng phát trên diện rộng. Trong tháng 7 và tháng 8 tới đây sẽ có đợt cao điểm rầy nâu di trú, cần theo dõi sát để phòng trừ hiệu quả.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang cho biết, khi lúa nhiễm rầy nâu với mật độ từ hai tới ba phần trăm thì bà con cần quản lý chặt rầy nâu trên ruộng lúa này, phun thuốc tiêu diệt ngay không để chúng di chuyển sang nơi khác. Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất là gieo sạ né rầy, hoặc là mật độ gieo sạ hay sử dụng phân bón vừa phải, hợp lý, tránh để cho lúa quá xanh tốt, nếu bón phân quá nhiều cũng làm cho rầy nâu phát triển mạnh hơn. Biện pháp cuối cùng là khi mật độ rầy nâu tăng quá cao, không kiểm soát được, nguy cơ lúa bị cháy rầy, thì sử dụng thuốc bảo vệ vệ thực vật theo phương pháp bốn đúng.

Về thắc mắc đối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL với tỷ lệ từ hai tới ba phần trăm có cần tiêu hủy để dập tắt mầm bệnh, không để lây lan hay không, ông Trần Ngọc Thể cho rằng, xét về mặt kỹ thuật là đúng, nhưng còn về kinh tế xã hội thì mức độ này cũng chưa gây thiệt hại nhiều cho người nông dân. Chưa kể nếu tiêu hủy sẽ rất khó thực hiện và phí phạm của xã hội, bởi với mức hỗ trợ khi tiêu hủy hiện nay là hai triệu đồng/ha, đây là mức quá thấp và người nông dân sẽ không chấp nhận.

Trong khi đó, nếu bà con chăm sóc kỹ diện tích lúa này thì vẫn cho năng suất cao. Điều quan trọng là phải kiểm soát và tiêu diệt được rầy nâu trên ruộng lúa thì không phải lo sợ vấn đề rầy nâu truyền được bệnh sang các ruộng lúa khác. Trường hợp, nếu tỷ lệ nhiễm bệnh lên đến 30-40%, nghĩa là không còn khả năng cho năng suất nữa thì nên tiêu hủy để sạ lại, nhằm bảo đảm vấn đề kinh tế là tốt hơn.

Có thể nói, diễn biết thất thường của thời tiết, cộng với thói quen canh tác không đúng kỹ thuật đã tạo cơ hội cho rầy nâu bùng phát trở lại. Đáng ngại hơn, trong các mẫu xét nghiệm lúa bị nhiễm rầy mới đây cho thấy có đến 20% bị nhiễm VL-LXL. Do vậy, để bảo vệ diện tích lúa thu đông, nông dân cần tuân thủ các quy tắc trong gieo sạ và tăng cường công tác phòng trừ dịch hại để bảo vệ ruộng lúa của chính mình.

PHÙNG DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33434002-nguy-co-bung-phat-dich-ray-nau-tren-lua-thu-dong-tai-hau-giang.html