Hà Nội: Hơn 30.000 người sơ tán do lũ chưa được về nhà

Đến nay vẫn còn 30.000 người ở nhiều khu vực của Hà Nội phải sơ tán do lũ chưa thể về nhà.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Hà Nội, trong đợt mưa bão số 3, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã sơ tán hơn 78.000 người tránh bão, lụt.

Đến nay, lũ trên sông Hồng, sông Đà và sông Đuống đã rút, do vậy, có hơn 48.000 người trở về nơi ở cũ, trong đó quận Bắc Từ Liêm có 5.489 người, quận Tây Hồ là 20.000 người, quận Hoàn Kiếm có 4.379 người, quận Long Biên có 1.055 người, quận Hai Bà Trưng có 1.198 người…

 Nhiều khu vực của Hà Nội vẫn còn bị nước ngập, người dân sơ tán do lũ vẫn chưa thể về nhà. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Nhiều khu vực của Hà Nội vẫn còn bị nước ngập, người dân sơ tán do lũ vẫn chưa thể về nhà. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Tuy nhiên, tính đến 19 giờ ngày 15-9, trên địa bàn TP Hà Nội còn khoảng 30.536 người đang phải sơ tán do lũ.

Trong đó, huyện Chương Mỹ còn 9.000 người, huyện Mỹ Đức 7.768 người, huyện Sóc Sơn 5.636 người, huyện Ứng Hòa 4.672 người, huyện Đông Anh 1.234 người, huyện Quốc Oai 1.129 người…

 Trận mưa rạng sáng 16-9 khiến đoạn đường Nguyễn Trãi qua địa bàn quận Thanh Xuân bị ngập cục bộ, giao thông ùn tắc. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Trận mưa rạng sáng 16-9 khiến đoạn đường Nguyễn Trãi qua địa bàn quận Thanh Xuân bị ngập cục bộ, giao thông ùn tắc. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Trong một diễn biến khác, báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết trận mưa kéo dài 2-7 giờ sáng 16-9 với cường độ 69,5 -154,5 mm tại các quận đã khiến nhiều khu vực nội thành ngập nước. Còn tại ngoại thành, lượng mưa cao nhất tại huyện Đông Anh lên đến 229 mm.

Mưa lớn kèm theo ảnh hưởng ngập lụt của bão số 3 đã khiến khu vực nội thành có tới gần 40 điểm úng ngập cục bộ.

 Mưa lớn sáng 16-9 khiến nhiều tuyến phố tại nội thành Hà Nội bị ngập. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Mưa lớn sáng 16-9 khiến nhiều tuyến phố tại nội thành Hà Nội bị ngập. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Cụ thể như lưu vực sông Tô Lịch có các điểm Thái Hà, Quan Nhân, Bùi Xương Trạch, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Tuân, Cự Lộc, Nguyễn Khuyến, ngã 3 Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, 155 Phùng Hưng, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê, Cao Bá Quát.

Lưu vực sông Cầu Bây có các điểm gồm gầm chui xe lửa phố Thiên Đức, Nam Đuống, ngõ 80 Hoa Lâm, Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Vũ Xuân Thiều, Ngọc Lâm.

 Từ rạng sáng, khi Hà Nội xuất hiện mưa lớn, mực nước về hồ điều hòa lên cao khiến Trạm bơm Yên Sở phải vận hành hết công suất 20/20 tổ máy để thoát nước cho khu vực nội thành. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Từ rạng sáng, khi Hà Nội xuất hiện mưa lớn, mực nước về hồ điều hòa lên cao khiến Trạm bơm Yên Sở phải vận hành hết công suất 20/20 tổ máy để thoát nước cho khu vực nội thành. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Lưu vực sông Nhuệ có các điểm đại lộ Thăng Long (ngã ba giao Lê Trọng Tấn), hầm chui (số 3, số 5, số 6, Km9+656), Triều Khúc, Cầu Bươu, Yên Xá, khu Tổng cục V - Bộ Công an, đường Tố Hữu, Yên Nghĩa (bến xe Yên Nghĩa tới ngã ba Ba La), đường Quyết Thắng, Võ Chí Công, Phú Xá, Hoa Bằng, Phùng Khoang, Lê Lợi - Trần Hưng Đạo, Quang Trung (trước cổng Trường THPT Nguyễn Huệ và đối diện ga La Khê), Tô Hiệu, đường Quyết Thắng.

Mưa lớn khiến nhiều trạm bơm thoát nước cho khu vực này phải hoạt động hết công suất để giải tỏa lượng nước úng ngập cho TP.

Cụ thể như Trạm bơm Đồng Bông 1 hoạt động 13/14 bơm; Trạm bơm Đồng Bông 2 hoạt động 9/9 bơm; Trạm bơm Cổ Nhuế hoạt động 4/4 bơm; Trạm bơm Yên Sở: 20/20 bơm; Trạm bơm tiêu thoát nước Bắc Thăng Long Vân Trì hoạt động 3/4 bơm.

Đặc biệt, do nội thành mưa lớn nên cửa đập Thanh Liệt cũng phải đóng lại (lúc 5 giờ 30 sáng 16-9) để tránh lũ trên sông Nhuệ tràn vào khu vực các quận nội thành.

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ha-noi-hon-30000-nguoi-so-tan-do-lu-chua-duoc-ve-nha-post810264.html