Nguy cơ bùng phát dịch sởi trước thềm năm học mới

Trước tình hình số ca sởi gia tăng tại TP.HCM, việc tăng độ bao phủ vaccine trước mùa tựu trường nhằm hạn chế nguy cơ lây lan cộng đồng.

 Phòng cách ly bệnh nhi mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Duy Hiệu.

Phòng cách ly bệnh nhi mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Duy Hiệu.

Tháng 5, TP.HCM ghi nhận 2 ca mắc bệnh sởi đầu tiên, sau đó, con số này vẫn tiếp tục tăng dần. Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, số ca mắc bệnh sởi vẫn thấp hơn so với đợt dịch 2018-2019 và đang có xu hướng tăng chậm lại.

Thông tin trên được bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Chạy đua với thời gian

Một tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, tiếp nhận 3-5 ca nhập viện do mắc bệnh sởi, điều trị cách ly cho hơn 20 ca. Các ca bệnh tập trung ở trẻ chưa tiêm vaccine hoặc chưa đến tuổi tiêm vaccine (dưới 9 tháng) kèm các bệnh lý như hô hấp, tiêu hóa, tim mạch…

Hầu hết bệnh nhi điều có biến chứng, thường gặp nhất là viêm phổi. Thời gian điều trị cách ly dao động trong khoảng 7-10 ngày. Một số trường hợp nặng sẽ có thời gian điều trị lâu hơn.

"So với đợt dịch sởi năm 2018-2019, số ca nhập viện trên tương đối thấp hơn và đang có dấu hiện ổn định do các nhân viên y tế đều được trang bị kiến thức, kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, luôn trên tinh thần 'phòng bệnh hơn chữa bệnh'", bác sĩ Quy cho biết.

Bệnh sởi sẽ được kiểm soát khi đạt miễn dịch cộng đồng từ 94% trở lên. Để đạt con số ấy, đội ngũ y tế gần như chạy đua với thời gian, nhất là khi chỉ chưa đầy một tháng nữa, trẻ sẽ trở lại trường học và bắt đầu năm học mới.

Theo bác sĩ Quy, hiện nay, trung tâm kiểm soát bệnh tật tại các tỉnh, thành đều đang đẩy mạnh chương trình tiêm ngừa bệnh sởi. Các cơ sở y tế ở tuyến địa phương cũng đã được tập huấn kinh nghiệm để điều trị, kiểm soát dịch tại chỗ, tránh lây lan cộng đồng.

Đứng trước thách thức lớn ấy, bác sĩ Quy nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các cơ quan y tế, giáo dục và sự đồng lòng của người dân.

“Trong các chu kỳ sởi năm 2014-2015 và 2018-2019, ngành y tế và giáo dục đã phối hợp rất tốt khi tiến hành rà soát cẩn thận và không cho trẻ chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi đến lớp, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh. Người dân cũng rất có ý thức khi đưa con đi tiêm phòng đầy đủ. Nhờ đó, dịch bệnh gần như biến mất trong một thời gian dài”, bác sĩ dẫn chứng.

Hiểu lầm tai hại của ba mẹ

Mới đây, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một trẻ 12 tháng tuổi nhập viện do mắc bệnh sởi. Đáng chú ý, trẻ có bệnh viêm phổi, thường xuyên tái phát. Bé cũng chưa từng tiêm vaccine phòng bệnh sởi vì gia đình lo lắng xảy ra tác dụng phụ.

May mắn, sau thời gian điều trị, sức khỏe của bé đã hồi phục và không gặp biến chứng nguy hiểm. Tuy vậy, thời gian điều trị cho những trường hợp như thế thường lâu hơn so với những ca thông thường.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh sởi do hiểu lầm tai hại của ba mẹ. Bác sĩ Quy nhấn mạnh trẻ em mắc bệnh nền vẫn có thể tiêm vaccine. Đối với những trường hợp này, ba mẹ cần đưa con đến các bệnh viện lớn để khám sàng lọc. Tùy vào tình trạng của bé, bệnh viện sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.

“Nhiều phụ huynh có con mắc bệnh nền thường ngại tiêm ngừa vì sợ bệnh nặng hơn. Đây là quan điểm không đúng vì vaccine là yếu tố dự phòng bệnh chứ không gây ra bệnh”, bác sĩ Quy cho biết.

Ngoài ra, một số trường hợp trẻ có nguy cơ mắc bệnh sởi cao:

Con của người lao động có thu nhập thấp, gửi gắm con cho ông bà ở quê, không chú trọng đến việc tiêm ngừa. Đây là nhóm chiếm đa số.
Trẻ em có ba mẹ không đồng ý cho con đi tiêm ngừa vì thấy không cần thiết.
Trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm ngừa, bị lây bệnh từ những người xung quanh.
Trẻ có bệnh lý nền, nhân viên y tế ở địa phương ngại tiêm vì sợ có tác dụng phụ.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguy-co-bung-phat-dich-soi-truoc-them-nam-hoc-moi-post1490904.html