Nguy cơ bùng phát đợt dịch mới tại châu Âu

Châu Âu trở lại là 'điểm nóng' của dịch Covid-19 khi chiếm hơn 50% tổng số ca mắc trên thế giới trong 24 giờ. Diễn biến dịch bệnh tại châu Âu khiến giới chuyên gia lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới.

Người bệnh Covid-19 được điều trị tích cực tại Bệnh viện Pirogov, Bulgaria, tháng 10/2021. (Ảnh: Reuters)

Người bệnh Covid-19 được điều trị tích cực tại Bệnh viện Pirogov, Bulgaria, tháng 10/2021. (Ảnh: Reuters)

Ủy ban quốc gia tham vấn về Covid-19 của Bỉ (Codeco) quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch hiện hành. Chính phủ Séc thông qua một số biện pháp mới có hiệu lực từ ngày 1/11 tới, kêu gọi người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 cần nhanh chóng đi tiêm phòng.

Một số nước triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường. Chính phủ Italia cho biết, có thể cho phép toàn dân được tiêm mũi vaccine tăng cường từ tháng 1/2022. Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường của hãng Pfizer hoặc Moderna cho những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine của hãng J&J. Với khoảng 88,5% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, Tây Ban Nha là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 cao nhất ở châu Âu.

Trong khi đó, tại châu Á, trong nỗ lực nhanh chóng mở cửa trở lại đất nước, Campuchia sẽ chính thức triển khai “cơ chế hộp cát” (mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch). Theo đó, từ ngày 30/11 tới, các tour miễn cách ly được phép hoạt động đối với những du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 tới Sihanoukville, đảo Koh Rong, khu nghỉ dưỡng Dara Sakor Resort ở tỉnh Koh Kong.

Hàn Quốc cho biết, từ tháng 11 tới, các sân bay thuộc các tỉnh, thành phố ở Hàn Quốc sẽ tái khởi động các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng cao. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Chính phủ Hàn Quốc công bố lộ trình ba giai đoạn tiến tới “Sống chung với Covid-19”.

Cơ quan quản lý dược phẩm Australia (TGA) thông báo chấp thuận tạm thời đề xuất tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường của hãng Pfizer/BioNTech cho người dân từ 18 tuổi trở lên và ít nhất 6 tháng sau mũi thứ hai. Từ ngày 1/11, công dân Australia được phép đi ra nước ngoài tự do và không phải cách ly bắt buộc khi trở về nước, với điều kiện đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19.

Mặc dù nỗ lực chống dịch Covid-19 trên thế giới đạt nhiều tiến bộ nhờ tăng cường tiêm chủng và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, song Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo đại dịch “còn lâu mới kết thúc”. Cảnh báo được đưa ra dựa trên phân tích tình hình hiện tại và các mô hình dự báo. WHO kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về vaccine thế hệ tiếp theo và các phương pháp chẩn đoán, điều trị.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/nguy-co-bung-phat-dot-dich-moi-tai-chau-au-671423/