Nguy cơ 'bùng phát' xe chở quá tải
Thời gian qua, lực lượng chức năng của Đồng Nai đã phát hiện và xử lý hàng trăm xe chở quá tải lưu thông trên địa bàn.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng (công an và thanh tra giao thông) toàn tỉnh đã tăng cường bố trí lực lượng trực tiếp kiểm soát tải trọng xe ngay trên các tuyến đường có nhiều mỏ khai thác vật liệu xây dựng như: quốc lộ 1K, quốc lộ 51, đường 768, 767… Qua đó, đã xử lý gần 500 trường hợp vi phạm.
Riêng qua hệ thống camera giám sát tải trọng phương tiện, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 88 trường hợp về bốc xếp hàng hóa lên xe ô tô vượt tải trọng cho phép. Các vi phạm trên chủ yếu xảy ra đối với phương tiện chở vật liệu xây dựng tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh như: mỏ đá Tân Cang (TP.Biên Hòa), mỏ đá Núi Nứa (TP.Long Khánh), mỏ đá Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), mỏ đá Soklu (huyện Thống Nhất)…
Theo đánh giá, bên cạnh những chủ xe, lái xe chấp hành tốt, vẫn còn một số trường hợp chấp hành chưa nghiêm về quy định chở hàng đúng tải trọng. Các vi phạm này chủ yếu là những trường hợp lén lút hoạt động, tranh thủ khi vắng bóng lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông để hoạt động. Để chấn chỉnh, ngăn chặn các vi phạm trên các ngành chức cần tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm để xe quá tải không có cơ hội hoành hành.
Liên quan đến thực trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo, đánh giá kết quả công tác kiểm soát tải trọng xe lên Bộ Giao thông - vận tải. Đáng lo ngại là việc tái diễn tình trạng xe tải các loại cơi nới kích thước thành thùng xe chở hàng quá tải, công khai lưu thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, đường đô thị, gây hư hỏng đường sá, mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng xe chở đất, đá cũng diễn biến phức tạp trên các tuyến đường các tỉnh: Bình Định, Lâm Đồng và Đồng Nai nơi vốn tập trung nhiều mỏ khai thác đá, kinh doanh vật liệu xây dựng.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các địa phương tăng cường hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và sử dụng cân xách tay (dùng để đo các bánh xe rồi tính tổng tải trọng phương tiện) để thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải trên địa bàn; đồng thời, tập trung kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, vật liệu xây dựng…