Nguy cơ chậm tiến độ nhiều dự án khẩn cấp
Hiện nay, tại tỉnh Thanh Hóa có hơn 50 công trình đê điều đang được đồng loạt triển khai, trong đó có nhiều công trình ứng phó thiên tai khẩn cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các dự án khẩn cấp đều rơi vào tình trạng thiếu vật liệu xây dựng.
Nhà thầu lo lắng
Dự án nâng cấp, cải tạo, khắc phục sạt lở đê sông Cung đoạn đi qua xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa được triển khai từ tháng 2/2025, thời gian thi công 9 tháng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình này sẽ đảm bảo an toàn cho hơn 8.000 nhân khẩu và hơn 600ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã Hoằng Ngọc và Hoằng Đông. Theo kế hoạch đến ngày 31/5, nhà thầu sẽ phải hoàn thành hạng mục tôn cao, mở rộng thân đê và nâng cao trình đê đảm bảo chống lũ cho hơn 4km đê.

Thiếu hụt nguyên, vật liệu xây dựng khiến nhiều dự án nguy cơ chậm tiến độ. Ảnh: Nguyễn Chung
Đến thời điểm hiện tại, dự án mới chỉ thi công được khoảng 60% khối lượng. Với tình trạng khan hiếm các loại vật liệu san lấp như hiện nay, việc đảm bảo tiến độ theo kế hoạch là rất khó. Ông Nguyễn Văn Mười - Giám đốc Công ty Xây dựng - Vận tải Xuân Thanh (nhà thầu dang thi công dự án) cho biết: "Nhu cầu vật liệu cho dự án là trên 1.300 m3 đất nhưng hiện nay, mỗi ngày chúng tôi chỉ có được 200 - 300 m3 đất san lấp nên để hoàn thiện theo tiến độ rất khó khăn. Chúng tôi đang liên hệ tìm kiếm nguồn vật liệu bổ sung, cố gắng để đảm bảo tiến độ thi công đã đề ra".
Tương tự, tại dự án xử lý chống sạt lở và nâng cấp tuyến đê tả sông Hoàng đoạn qua xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, có chiều dài hơn 900m, cũng đang trong tình trạng thi công cầm chừng do thiếu vật liệu. Ông Nguyễn Xuân Khoa - Công ty TNHH Trường Sơn (nhà thầu thi công) cho biết: "Chúng tôi đã tập kết máy móc, nhân lực đầy đủ, song hiện tại chỉ hoạt động được hơn 10% năng lực thi công". Nguồn cung vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu san lấp khan hiếm khiến các nhà thầu tại Thanh Hóa “đứng ngồi không yên”; nguy cơ các dự án mang tính cấp bách chậm tiến độ. Nói về vấn đề này này, ông Nguyễn Thanh Quân - Giám đốc Tổng Công ty CP đầu tư xây dựng Minh Tuấn cho biết: Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 25 giấy phép khai thác mỏ cát còn hiệu lực, khối lượng khoảng 5 triệu m3, công suất hơn 600.000m3/năm. Nhưng có 12 mỏ cát đang bị cơ quan Công an điều tra nên tạm dừng hoạt động. Đây là nguyên nhân chính khiến cát xây dựng trên địa bàn tỉnh khan hiếm, không đáp ứng được tiến độ cung ứng.
Khẩn trương tìm giải pháp
Đâu là giải pháp mang tính cắn cơ để tháo gỡ những khó khăn về nguyên vật liệu cho các dự án trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa? Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, hầu hết các Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng tại các huyện đều khá lúng túng vì chưa tìm được giải pháp cụ thể. Và hầu hết đều trả lời chung chung, theo kiểu: "Chúng tôi phối hợp với các đơn vị thi công họp bàn giải pháp để tìm kiếm nguồn vật liệu, đồng thời thường xuyên kiểm tra, động viên, đôn đốc, đảm bảo tiến độ".
Để tránh tình trạng các dự án rơi vào nguy cơ chậm tiến độ, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị cơ quan chức năng đánh giá lại trữ lượng của các mỏ được cấp phép tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn; đáp ứng được nhu cầu vật liệu thiếu hiện nay, có biện pháp kiểm soát giá vật liệu xây dựng tăng; sớm có quy hoạch các mỏ vật liệu đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đại diện Tổng Công ty CP đầu tư xây dựng Minh Tuấn đề xuất: “Để đảm bảo tiến độ dự án, tiết kiệm chi phí đầu tư và không làm tăng tổng mức đầu tư. Chúng tôi đề xuất được thí điểm sử dụng nguồn cát nhiễm mặn để đắp nền đường cho dự án. Vì việc sử dụng vật liệu cát biển, cát nhiễm mặn để triển khai thi công các dự án được Chính phủ khuyến khích các tỉnh thành triển khai thí điểm, hiện nay đang được áp dụng thử nghiệm tại một số công trình trọng điểm quốc gia”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nhằm giải quyết vấn đề thiếu vật liệu xây dựng như hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra các điểm mỏ ở những khu vực không ảnh hưởng đến đời sống của người dân và giao thông để cấp phép nâng công suất khai thác mỏ phục vụ nhu cầu của thị trường. Đồng thời, rà soát, đưa những mỏ được quy hoạch đủ điều kiện vào đấu giá cấp phép hoạt động khai thác theo quy định.
“Về lâu dài, chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chức năng, tiến hành rà soát các mỏ, đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung, đảm bảo phù hợp với thực tế, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở cấp phép hoạt động khoáng sản theo đúng quy định. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến và sử dụng cát nhân tạo. Ưu tiên cung cấp vật liệu cho các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh”- ông Giang nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-co-cham-tien-do-nhieu-du-an-khan-cap-10305238.html