Nguy cơ cháy nổ khi đốt vàng mã dịp rằm tháng 7
Việc đốt vàng mã, nhất là vào dịp rằm tháng 7 hàng năm là nguyên nhân gây ra không ít những vụ cháy, để lại hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã cần phải được tuân thủ theo đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tại những khu tập thể cũ, ngõ nhỏ không có nơi riêng để đốt vàng mã nên nhiều người đã tùy tiện đốt vàng mã ở bất cứ đâu. Ông Nguyễn Văn Trung, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết: "Khi không có nơi để hóa vàng thì vỉa hè, lòng đường là nơi được trưng dụng. Thế nhưng mang ra đường thì nhiều người cũng không mang theo lò để hóa. Cứ thế, tàn, khói bay nghi ngút tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy".
Đó là bên ngoài, còn bên trong những căn hộ chật chội, hỏa hoạn cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đại úy Nguyễn Danh Ngọc - Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Công an quận Hà Đông cho biết trong quá trình đi kiểm tra lực lượng chức năng nhận thấy ban thờ của nhiều gia đình được bố trí, bày biện chưa đảm bảo khoảng cách an toàn.
Nguy cơ hỏa hoạn từ thói quen thờ cúng, đốt vàng mã cũng hiện hữu ở các cơ sở kinh doanh. Các cửa hàng bán quần áo, vải vóc là một ví dụ. Khi các ban thờ được bố trí ngay bên các chồng quần áo, vải vóc khổng lồ thì chỉ một chút lơ là, bất cẩn, nguồn lửa từ nhang cháy trên ban thờ cũng có thể gây ra hỏa hoạn lớn.
Thiếu tá Đỗ Danh Luân – Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an khuyến cáo: sẽ rất nguy hiểm khi ngọn lửa bùng lên gần với các đồ vật dễ cháy, các phương tiện chứa xăng dầu hay khi lửa chưa tàn khi không có người ở lại trông coi.
Chỉ cần một chút bất cẩn, nguy cơ cháy nổ có thể đến bất cứ lúc nào. Do đó, mỗi hộ gia đình nên tự trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy như: bình chữa cháy, thang dây, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ lọc độc.
Ngoài ra, cần thường xuyên và định kỳ tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy trong phạm vi quản lý, kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện và dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Đặc biệt, khi xảy ra cháy, người dân cần nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an TP Hà Nội theo số điện thoại 114 hoặc ứng dụng Báo cháy 114.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước đốt gần 50.000 tấn vàng mã, riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ trên 400 tỷ đồng cho phong tục này. Kéo theo đó là những nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập. Đốt vàng mã vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, vừa tốn kém tiền bạc và ô nhiễm môi trường.
Mặc dù pháp luật chưa có quy định cấm, nhưng thời gian qua các cơ quan chức năng đã liên tục tuyên truyền về việc hạn chế đốt vàng mã. Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ nhiều năm nay cũng đã khuyến cáo các Phật tử không đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nguy-co-chay-no-khi-dot-vang-ma-dip-ram-thang-7-258348.htm