Nguy cơ chia rẽ phủ bóng nước Bỉ

Bỉ là quốc gia Tây Âu tuy nhỏ bé nhưng có vị thế quốc tế khá lớn khi được biết là nơi đặt trụ sở chính của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này phần nào tạo cảm giác rằng, Bỉ là quốc gia vô cùng hòa bình, ổn định. Tuy nhiên, thực tế trái ngược cho thấy, Bỉ đang ngày càng tiến tới bờ vực của sự chia rẽ.

Lãnh đạo đảng Vlaams Belang Tom Van Grieken phát biểu tại một cuộc mít tinh tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: Eaworlview

Lãnh đạo đảng Vlaams Belang Tom Van Grieken phát biểu tại một cuộc mít tinh tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: Eaworlview

Thời gian gần đây, mối lo ngại về cảnh nước Bỉ khủng hoảng và chia rẽ ngày càng gia tăng trong dư luận châu Âu. Sâu bên trong vẻ ngoài hào nhoáng của Bỉ là một đời sống chính trị quốc gia rối loạn. Trên thực tế, thời gian thành lập chính phủ liên minh của Bỉ giữ kỷ lục thế giới với hơn 500 ngày đàm phán.

Theo giới quan sát chính trị châu Âu, ở Bỉ lâu nay tồn tại vấn đề căng thẳng nan giải giữa 2 nhóm người sinh sống chủ yếu ở 2 miền đất nước. Cụ thể là người Flanders nói tiếng Hà Lan ở miền Bắc và người Wallonia nói tiếng Pháp ở miền Nam. Căng thẳng giữa hai miền Bắc - Nam của Bỉ đang ngày càng gia tăng và có nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng lớn, có thể lên tới đỉnh điểm khi diễn ra các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2024.

Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn thăm dò ý kiến trong xã hội Bỉ cho thấy, đảng Vlaams Belang cực hữu muốn biến Flanders thành một nhà nước ly khai, độc lập hoàn toàn. Vlaams Belang cũng đang là lực lượng chính trị lớn nhất trong nước.

Chủ tịch đảng Vlaams Belang Tom Van Grieken được xem là nhân vật chủ chốt tạo nên thành công của đảng này trong thời gian gần đây. Ông Grieken vừa qua tuyên bố khẳng định chắc chắn về kế hoạch tách ra độc lập nếu đảng này giành chiến thắng. “Chúng tôi tin rằng, Bỉ là một cuộc hôn nhân ép buộc”, ông Grieken nói và nhấn mạnh rằng: “Chúng ta sẽ phải đi đến một sự phân chia có trật tự. Những người không muốn ly hôn và cũng không ngồi vào bàn đàm phán thì chúng tôi sẽ đơn phương làm việc đó”.

Ông Grieken cũng cho rằng, không phải vì có một đảng dân tộc Flanders mà nước Bỉ đang “nổ tung” mà chính vì nước Bỉ không ổn định nên mới có một đảng dân tộc Flanders.

Những tuyên bố đầy nặng nề của ông Grieken dường như cho thấy một viễn cảnh chia tách sắp tới của đất nước. Giới quan sát nhìn nhận, viễn cảnh này đang gây ra những hoang mang trong dư luận xã hội Bỉ, bởi trong nhiều năm gần đây, những cuộc xung đột gay gắt giữa miền Bắc nói tiếng Hà Lan và miền Nam nói tiếng Pháp đã nguội lạnh.

Giới quan sát cũng cho biết, ở Bỉ nói riêng và các nước EU nói chung đang hiện hữu sự gia tăng sức mạnh đáng kể của phe cực hữu trong những tháng gần đây, trong bối cảnh các vấn đề lớn nhất là nhập cư, tăng trưởng chậm và lạm phát cao. Trong đó, dường như mối lo ngại gia tăng về vấn đề di cư đang thúc đẩy làn sóng ủng hộ các đảng đòi độc lập của cộng đồng nói tiếng Hà Lan ở Bỉ. Đây cũng được xem là một nguyên nhân quan trọng phủ bóng viễn cảnh chia tách đất nước.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, đảng cực hữu Vlaams Belang của Bỉ không chỉ dựa vào chính sách ủng hộ độc lập để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Trên thực tế, Bỉ đang đối mặt với dòng người xin tị nạn lớn với số lượng tương đương với cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Đặc biệt, tại khu vực Flanders, một bộ phận cử tri coi di cư là mối quan tâm lớn nhất nên ủng hộ đảng Vlaams Belang khi đảng này cũng coi di cư là vấn đề chính trị quan trọng nhất, tiếp theo là thuế và tình hình tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo giới quan sát, bản thân chính phủ đương nhiệm của Bỉ cũng phải vật lộn để giữ cho các đảng cầm quyền có cùng quan điểm về các vấn đề trọng yếu của đất nước trong thời gian qua. Kịch bản Vlaams Belang trở thành đảng lớn nhất trong cuộc bầu cử vào tháng 6/2024, từ đó chọn đối tác liên minh thành lập chính phủ Flander cũng sẽ khiến quốc gia 12,6 triệu dân này bước vào giai đoạn bất ổn chính trị mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy viễn cảnh chia tách đất nước.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguy-co-chia-re-phu-bong-nuoc-bi-post464074.html