Nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa chính thức chấm dứt

Cuối ngày 30/9, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ với sự ủng hộ áp đảo của Đảng Dân chủ nhằm tránh được sự đóng cửa một phần của các cơ quan liên bang.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy phát biểu với các phóng viên tại Điện Capitol ở Washington, Mỹ ngày 30/9/2023 sau khi Hạ viện thông qua dự luật tài trợ tạm thời của chính phủ nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy phát biểu với các phóng viên tại Điện Capitol ở Washington, Mỹ ngày 30/9/2023 sau khi Hạ viện thông qua dự luật tài trợ tạm thời của chính phủ nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa. Ảnh: Reuters

Sau những ngày hỗn loạn, Reuters cho biết Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đột ngột từ bỏ yêu cầu cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ từ các nghị sĩ của mình và thay vào đó dựa vào đảng Dân chủ để thông qua dự luật.

Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số đã bỏ phiếu để thông qua biện pháp nhằm tránh việc chính phủ liên bang đóng cửa một phần lần thứ 4 trong một thập kỷ và gửi tới Tổng thống Joe Biden để ký thành luật trước thời hạn 12:01 sáng ngày 1/10.

Động thái trên đánh dấu một sự thay đổi lớn so với tình hình hồi đầu tuần khi việc đóng cửa chính phủ gần như không thể tránh khỏi.

Nếu chính phủ đóng cửa, sẽ có khoảng gần 4 triệu nhân viên liên bang không được trả lương trong khi một loạt dịch vụ liên bang từ Công viên Quốc gia đến cơ quan quản lý tài chính cũng sẽ bị đóng cửa.

Các cơ quan liên bang cũng đã vạch ra kế hoạch chi tiết, trong đó nêu rõ những dịch vụ nào sẽ tiếp tục, chẳng hạn như sàng lọc sân bay và tuần tra biên giới, và những dịch vụ nào phải đóng cửa, bao gồm nghiên cứu khoa học và viện trợ dinh dưỡng cho 7 triệu bà mẹ nghèo.

Sau cuộc bỏ phiếu, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện thuộc đảng Dân chủ Chuck Schumer khẳng định: “Người dân Mỹ có thể thở phào nhẹ nhõm rằng chính phủ sẽ không đóng cửa tối nay”.

Ông nhận định: “Đảng Dân chủ đã tuyên bố từ đầu rằng giải pháp duy nhất để tránh việc đóng cửa chính phủ là sự hợp tác lưỡng đảng, và chúng tôi rất vui vì Chủ tịch Hạ viện McCarthy cuối cùng đã chú ý đến thông điệp của chúng tôi”.

Trong khi đó, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries cho biết: “Đảng Cộng hòa cực đoan đã thua, người dân Mỹ đã thắng”. Đại diện Đảng Dân chủ Don Beyer cho biết: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi Chủ tịch Hạ viện McCarthy cuối cùng cũng cho phép một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng về luật nhằm ngăn chặn việc Đảng Cộng hòa đóng cửa chính phủ”.

Về phía ông McCarthy, ông bác bỏ những lo ngại rằng những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa có thể cố gắng lật đổ ông khỏi vị trí lãnh đạo Hạ viện. Reuters trích dẫn ông cho biết: “Nếu tôi phải mạo hiểm công việc của mình vì người dân Mỹ, tôi sẵn sàng làm điều đó”.

Tình trạng bối rối trên là kết quả sau khi Quốc hội khiến chính phủ liên bang tiến gần tới bờ vực vỡ nợ 31.400 tỷ USD vài tháng trước. Việc này đã làm dấy lên nhiều lo ngại ở Phố Wall, nơi cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cảnh báo có thể hạ cấp đánh giá tín dụng của chính phủ Mỹ, từ đó ảnh hưởng tới uy tín tín dụng của nước này.

Vào thời điểm đó, thỏa thuận giữa ông McCarthy và ông Biden nhằm tránh vỡ nợ đặt ra giới hạn chi tiêu là 1,590 tỷ USD trong năm tài chính 2024 nhưng Đảng Cộng hòa tại Hạ viện hiện yêu cầu cắt giảm thêm 120 tỷ USD.

Trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu cuối ngày 30/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Lẽ ra ngay từ đầu chúng ta không bao giờ nên rơi vào tình thế này. Chỉ vài tháng trước, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và tôi đã đạt được thỏa thuận ngân sách để tránh chính xác tình trạng khủng hoảng này”.

Ông tuyên bố: "Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã cố gắng từ bỏ thỏa thuận đó bằng cách yêu cầu cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ, điều có thể gây thiệt hại cho hàng triệu người Mỹ. Nhưng họ đã thất bại”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nguy-co-chinh-phu-my-phai-dong-cua-chinh-thuc-cham-dut-post27543.html