Nguy cơ đàm phán Mỹ-Triều Tiên trở lại điểm xuất phát
Những động thái căng thẳng liên tục trong bối cảnh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên giậm chân tại chỗ đang có nguy cơ đẩy cuộc đàm phán hạt nhân giữa quốc gia này với Mỹ trở lại điểm xuất phát ban đầu.
Tìm kiếm “con đường mới”
Những thông điệp từ cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên do nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì để thảo luận về “các biện pháp chính trị và cơ cấu tổ chức quan trọng cũng như các bước đi quân sự nhằm tăng cường các lực lượng vũ trang” đang được dư luận rất quan tâm. Cuộc họp này đưa ra quyết định về các vấn đề quân sự quan trọng và các giải pháp trong công tác tổ chức, mở rộng, tái cơ cấu các đơn vị mới sao cho phù hợp với kế hoạch chiến lược và quân sự của Triều Tiên.
Cuộc họp quan trọng của Triều Tiên diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ - Triều Tiên gia tăng căng thẳng liên quan đến việc Bình Nhưỡng đe dọa tìm kiếm “con đường mới” trong trường hợp Washington đến cuối năm nay vẫn không đưa ra đề xuất có thể chấp nhận được trong đàm phán hạt nhân. Theo giới quan sát, phía Triều Tiên dường như phát đi tín hiệu nước này có thể sớm tổ chức một phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên trong thời gian tới.
Hồi năm ngoái, sau phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thông báo ngừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, động thái mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6-2018 tại Singapore. Vì thế, giới quan sát cho rằng, cuộc họp của Trung ương đảng Lao động Triều Tiên sắp tới có thể là để ra quyết định về việc rút lại lệnh tạm ngừng nói trên.
Bờ vực đổ vỡ
Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hầu như đã rơi vào bế tắc sau khi đạt được thỏa thuận trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần đầu tiên vào tháng 6-2018. Cho dù đạt được cam kết phi hạt nhân Triều Tiên, song hai bên hầu như không tiến thêm được bước nào thực chất ngoài việc Bình Nhưỡng tạm dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), đổi lại là việc Mỹ ngừng cuộc tập trận với Hàn Quốc.
Để giải quyết sự bế tắc trong thực thi cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2-2019 và cuộc gặp gỡ tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm) thuộc Khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên. Đây là những sự kiện mang tính biểu tượng cao và được ca ngợi như “bước khởi đầu mới” mang tính lịch sử, song tất cả đều không thể phá vỡ thế bế tắc, thúc đẩy thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Điểm mấu chốt cam kết phi hạt nhân giậm chân tại chỗ là những bước đi, sự thực thi của mỗi bên trong lộ trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Phía Triều Tiên vẫn muốn Mỹ phải có những bước đi tương ứng với hành động phi hạt nhân hóa của nước này, bao gồm từ công khai chương trình, cơ sở hạt nhân cùng các giai đoạn dỡ bỏ các chương trình, cơ sở hạt nhân gắn liền với bước đi của phía Mỹ từ dỡ bỏ cấm vận, trừng phạt kinh tế tới ký hiệp ước hòa bình kết thúc chiến tranh, bình thường hóa quan hệ và viện trợ kinh tế. Thế nhưng, phía Mỹ vẫn muốn trước hết Triều Tiên phải thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có kiểm chứng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đặt ra hạn chót vào ngày 31-12-2019 để chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện “những đề xuất linh hoạt”, giải cứu quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa đang rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, khi chỉ còn vài ngày nữa là tới thời hạn này mà Washington vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu tích cực nào để đáp lại. Thậm chí một số quan chức Nhà Trắng còn kêu gọi Tổng thống Donald Trump quay lại chính sách gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng. Vì thế, giới quan sát lo ngai, cam kết phi hạt nhân Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, đưa các bên trở lại vạch xuất phát ban đầu.