Nguy cơ 'đắp chiếu' tại dự án hàng chục nghìn tỷ
Đó là dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 được xây dựng tại xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Tính đến nay, dự án này đã chậm tiến độ hơn 5 năm và trong tình cảnh 'đói vốn' như hiện nay thì việc đưa nhà máy vào vận hành là tương lai rất mờ mịt.
Tháng 1-2018, khi chúng tôi xuống công trường xây dựng đại dự án này, ông Bùi Sơn Trường, Giám đốc Ban điều hành của tổng thầu EPC, dự án NMNĐ Thái Bình 2 vẫn tỏ ra lạc quan khi khẳng định: “Dự án đã được khởi động lại bốn, năm tháng nay, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đốt dầu. Dự án đã hoàn thành được 82% khối lượng công việc, còn lại chủ yếu là phần chạy thử. Dự kiến đến tháng 4-2018 chúng tôi sẽ chạy thử”.
Tuy nhiên, trong thực tế, đây chỉ là lời “nói suông”, vì cho đến nay, tức là sau khoảng một năm rưỡi thì mọi kế hoạch ông Trường nêu ra vẫn chỉ nằm trên giấy. Tiến độ xây dựng nhà máy bị ngưng trệ gần như hoàn toàn, công nhân, kỹ sư tay nghề cao đã chủ động rời bỏ dự án, tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn. Trong thời gian qua, ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng Ban quản lý dự án đã chủ động làm đơn xin nghỉ việc do không chịu được áp lực công việc, nhất lả những khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn.
Qua trao đổi, Ban lãnh đạo dự án cho biết, hiện nay các Ngân hàng thương mại đã dừng cho vay vì lo ngại những rủi ro có thể xảy ra với siêu dự án hơn 41 nghìn tỷ đồng này. Việc lựa chọn Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam làm tổng thầu là một sai lầm vì đơn vị không đủ năng lực tài chính lẫn chuyên môn. Cộng với việc, tại đây vừa xảy ra vi phạm tài chính, làm thất thoát hơn 800 tỷ đồng càng khiến dự án xây dựng NMNĐ Thái Bình 2 lâm vào cảnh thiếu hụt nguồn tài chính nghiêm trọng.
Như vậy, việc tìm ra lối thoát cho dự án chính là phải tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, thể chế. Và việc này là quá tầm với của Bộ Công thương. Do đó, để Nhà máy sớm đi vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia thì cần có liệu pháp đặc biệt, chứ không phải thông thường với sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Nhằm hiện thực hóa vấn đề nêu trên, trong ngày 23-7, đích thân ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương cùng đại diện Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có chuyến thị sát tại công trường nhà máy. Tại đây, ông đề nghị các bộ, ngành Trung ương khẩn trương cho ý kiến về dự án, chậm nhất trong tuần này để Bộ Công thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cuối cùng về cơ chế nguồn vốn cho dự án. Theo dự kiến, nếu được Chính phủ phê duyệt chủ trương về cơ chế tài chính trong tháng 7 này thì NMNĐ Thái Bình 2 có thể phát điện Tổ máy số 1 vào tháng 6-2020 và Tổ máy số 2 vào tháng 10-2020.
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 bao gồm hai tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư dự án là 41.799 tỷ đồng, thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-Ttg, ngày 11-12-2013, của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi than phun trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên, sử dụng than cám 5 (80% 5a Hòn Gai và 20% 5a Vàng Danh), lượng than tiêu thụ hàng năm khoảng 3 - 3,5 triệu tấn. Khi vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.