Nguy cơ dịch bệnh từ ô nhiễm rác thải ở Sa Huỳnh

Nhà máy xử lý rác thải dừng hoạt động nhiều năm do người dân phản đối khiến lượng rác thải tồn đọng, phân hủy ở cảng biển, đầm nước mặn, khu dân cư vùng biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Rác thải độc hại ứ đọng nhiều năm qua có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cho chính người dân ở đây.

Nguy cơ dịch bệnh từ rác thải ứ đọng nhiều năm ở vùng biển Sa Huỳnh.

Nguy cơ dịch bệnh từ rác thải ứ đọng nhiều năm ở vùng biển Sa Huỳnh.

Rác ngập phố phường, lan sang đồng muối, vùng nuôi hải sản

Giữa trời nắng nóng hơn 40 độ trên cánh đồng muối Sa Huỳnh, bà Nguyễn Thị Huyền ở tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh tay cầm cào đẩy qua lại lớp nước lẫn muối mỏng đang kết tinh. Mở van ống dẫn nước từ kênh dẫn nhỏ vào ruộng muối từ giữa buổi sáng đến trưa vẫn không đủ nước, bà chuyển sang tát nước.

Hai tay cầm gàu, bà Huyền múc nước từ ô ruộng bên phải đổ sang ruộng bên trái cho đủ lượng nước để muối kết tinh. Ô ruộng còn lại cạn gần đáy, bà loay hoay tìm cách dẫn nước từ kênh nhỏ của đồng muối vào ô còn lại. Nước từ ống dẫn nổi bọt, màu vàng nhạt cứ đầy dần trong ruộng muối của bà.

Bà Nguyễn Thị Huyền đưa nước vào những ô ruộng muối.

Bà Nguyễn Thị Huyền đưa nước vào những ô ruộng muối.

Nhà có gần 50m2 đất trên đồng muối Sa Huỳnh, bà Huyền chia thành 4 ô nhỏ làm muối. Hai năm qua bà chỉ làm 3 ô ruộng, phần còn lại nước thải, rác phân hủy tràn ngập bà bỏ hoang. Cạnh các ruộng muối trên cánh đồng lớn, nhiều bãi rác nhỏ đốt cháy nham nhở xen lẫn rác thải đang phân hủy. Nước ở các ô ruộng muối bỏ hoang chuyển màu, nổi bọt và mùi hôi thối lan trên cánh đồng.

“Nước không ô nhiễm đâu, muối vẫn kết tinh không ảnh hưởng gì đâu. Rác ứ cả vùng đầm bên kia đường bay qua đây nên chiều nào tụi tôi cũng gom lại đốt. Rác chỗ ruộng ai thì người ấy đốt”, bà Huyền giải thích.

Trên tuyến đường chính của tổ dân phố Thạnh Đức 1, một bên là đầm nước mặn Sa Huỳnh, một bên là cánh đồng muối rộng lớn. Trên mặt đầm, rác thải nổi tràn khắp trên mặt nước. Rác thải sinh hoạt, rác của tàu thuyền lẫn lộn chồng lên nhau trên diện tích hàng nghìn m2 mặt nước. Rác thải đang phân hủy bám trên bờ bê-tông của tuyến đường kéo dài hơn km. Rác trôi nổi tấp bên hông tàu thuyền, ghe cá đang neo đậu ven đầm nước mặn. Những khi nước rút, lốp xe, kim loại, vật liệu xây dựng dưới đáy đầm hiện ra.

Phía bên kia đầm nước mặn, những ụ muối được ủ cất trong lớp bao ny lông phủ kín của người dân chờ bán cho các thương lái. Mặc cho mùi hôi thối, dưới ruộng bà con vẫn sản xuất, làm muối hằng ngày tranh thủ tháng hè nắng nóng.

“Nước làm muối lấy từ đầm bên này qua đó chứ đâu. Rác nhiều quá bịt cái bộng đưa nước sang ruộng rồi, còn nếu tháo nước qua đường cống lớn thì nhiều quá tràn ruộng làm không được. Cũng phải làm thôi, nguyên một đầm rác mà”, anh T.V.Q ở Thạnh Đức 1 cho biết.

Một bên là bãi rác thải một bên là cánh đồng muối Sa Huỳnh.

Một bên là bãi rác thải một bên là cánh đồng muối Sa Huỳnh.

Vùng mặt biển hai bên cầu Thạnh Đức, phường Phổ Thạnh rộng khoảng 3ha là nơi người dân nuôi trồng hải sản hàu, ốc, cá các loại... Nơi đây đầy rác thải đang phân hủy. Chai nhựa, thức ăn, vật dụng sinh hoạt… theo con nước lên, xuống tràn ngập khu vực cầu Thạnh Đức, xen lẫn vào vùng nuôi trồng hải sản.

Tại khu vực nuôi ốc, rác thải trôi tấp vào các bè nổi, rác lẫn hải sản đang nuôi cấy. Cách đó không xa là vùng nuôi hàu của người dân, rác thải lẫn vào “sống chung” với hàu. “Nước lên thì ít thấy rác chìm nổi trong vùng nuôi hải sản chứ nước cạn thì thấy rõ hơn. Trước đây vùng này nuôi nhiều, nuôi cả cá lớn như cá bớp. Nay ô nhiễm quá nên ít hơn”, anh Nguyễn Văn Thành cho biết.

Không chỉ bủa vây đầm nước mặn Sa Huỳnh, lan sang cánh đồng muối, vùng nuôi trồng hải sản, rác thải mới lẫn tạp chất đang phân hủy trộn lẫn sắp lớp trên bờ biển, các tuyến đường phố phường ở đây. Trên tuyến đường chính tổ dân phố Thạnh Đức 2, nhiều bãi rác thải đổ khắp nơi, từ đường chính đến đường thôn, đất trống, bờ kè rác thải chồng chất đang phân hủy độc hại.

Rác thải lẫn trong khu vực nuôi hải sản gần cầu Thạnh Đức.

Rác thải lẫn trong khu vực nuôi hải sản gần cầu Thạnh Đức.

Lo sợ dịch bệnh bùng phát

Phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ rộng gần 30km2 có 26.000 dân, là nơi có mật độ dân số cao của tỉnh Quảng Ngãi. Vùng biển Sa Huỳnh sầm uất tàu thuyền ra vào cảng, là nơi sinh sống lâu đời của ngư dân nên khối lượng rác thải sinh hoạt, rác từ tàu thuyền, sản xuất chế biến hải sản rất lớn.

Không có nơi xử lý, nhiều tấn rác thải tồn đọng nhiều năm qua. Rác mới lẫn rác cũ phân hủy hôi thối nồng nặc, ô nhiễm không khí các khu dân cư, phố phường. Không chỉ vậy, rác thải, chất độc phân hủy trực tiếp ở cảng biển, đầm nước mặn lan rộng độc hại, ô nhiễm nguồn nước biển, nước ngầm. Lo ngại nhất là rác thải, chất độc ngấm trực tiếp vào vùng nuôi trồng thủy hải sản, đồng muối Sa Huỳnh.

Người dân tự tập kết, chôn, đốt quanh nhà, khu đất trống trong cụm dân cư, bờ cảng biển, các trục đường vào khu dân cư... nguy cơ dịch bệnh càng cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Đuộc ở Thạnh Đức 1 lo lắng. “Gió nồm thì rác nằm đây, gió bấc thì mấy tấn rác chuyển xuống vùng dưới. Ảnh hưởng từ nguồn nước, sản xuất làm ăn của chính bà con. Chất độc hại lan như vậy làm sao giải quyết chứ sống chung vầy bệnh tật thì sao”.

Nguyên nhân ô nhiễm môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là do người dân phản đối hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn MD ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Từ chủ trương xã hội hóa, năm 2018, Công ty TNHH MD đã đầu tư 52 tỷ đồng xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn MD ở phường Phổ Thạnh.

Rác thải lan sang các đồng muối của người dân.

Rác thải lan sang các đồng muối của người dân.

Nhưng sau ba tháng hoạt động, nhà máy phải đóng cửa do người dân phường Phổ Thạnh ngăn cản, phản đối với lý do gần khu dân cư. Sau khi kiểm tra, phát hiện một số sai phạm về thẩm định quy hoạch, khoảng cách, đánh giá tác động môi trường ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần đối thoại với người dân, đề nghị cho nhà máy hoạt động để xử lý lượng rác cũ tồn đọng hàng chục năm qua và thu gom rác thải ở phường Phổ Thạnh. Thế nhưng không có tiếng nói chung, nhà máy xử lý chất thải rắn MD dừng hoạt động nhiều năm qua và người dân sống chung với ô nhiễm, độc hại.

“Làm sao phải có nhà máy rác thải chứ vầy lo lắm. Làm nhà máy rác thì bà con không chịu, giờ thấy hậu quả rồi đó. Nếu nhà máy rác MD còn hoạt động thì không bao giờ có cảnh này”, ông Đỗ Chí Nguyên nói.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phổ Thạnh giải thích: “Số dân ở phường rất đông, hơn 26 nghìn dân nên công tác tập trung dọn vệ sinh rất khó khăn. Người dân đề nghị xử lý môi trường nhưng lại chưa đồng tình tổ chức thu gom, xử lý rác tại khu bãi rác cũ. Dân không tập trung phản đối hay cản trở nhưng qua nắm tình hình thì họ không đồng tình mang rác của phường lên bãi chôn cũ”.

Theo Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ, hiện có ba phường trung tâm được thu gom rác thải tập trung, 12 xã phường còn lại không thu gom mà người dân tự xử lý. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, cuối năm 2022 thị xã Đức Phổ quyết định đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tập trung trên diện tích 17ha ở xã Phổ Nhơn, với tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng. Hiện giai đoạn 1 và 2 đầu tư đường từ trung tâm thị xã đến khu liên hợp đã hoàn thành, giai đoạn 3 đầu tư hố chôn lấp hợp vệ sinh đang trong giai đoạn đánh giá tác động môi trường. Dự kiến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tập trung sẽ hoạt động vào cuối năm nay để giải quyết bài toán rác thải ở vùng biển Sa Huỳnh.

“Tuần đến chúng tôi sẽ tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, hình thành khu xử lý tạm cho phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu. Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành sớm khu liên hiệp xử lý rác thải cho thị xã. Chúng tôi cũng rất mong người dân đồng thuận, chia sẻ phối hợp chính quyền địa phương để cùng nhau giải quyết ”, ông Đỗ Tâm Hiển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ khẳng định.

Tự chôn, đốt rác thải khiến nguy cơ dịch bệnh cao hơn.

Tự chôn, đốt rác thải khiến nguy cơ dịch bệnh cao hơn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguy-co-dich-benh-tu-o-nhiem-rac-thai-o-sa-huynh-post767089.html