Nguy cơ đối đầu quân sự Trung - Ấn
Những động thái cứng rắn từ Ấn Độ và Trung Quốc đang có nguy cơ đẩy quan hệ hai nước trước 'lằn ranh đỏ'.
Cuối tuần qua, phía Ấn Độ đã di chuyển các hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tới một số địa điểm tại vùng lãnh thổ liên bang Ladakh và hiện trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Một nguồn tin chính phủ Ấn Độ xác nhận các hệ thống phòng thủ tên lửa của cả Lục quân và Không quân Ấn Độ đã được triển khai tới khu vực nhằm ngăn chặn các rủi ro liên quan tới máy bay tiêm kích của Không quân Trung Quốc, hoặc máy bay trực thăng của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Không chỉ xảy ra , một làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc cũng đã bùng phát tại Ấn Độ. Những động thái cứng rắn này từ cả hai phía Ấn Độ và Trung Quốc đang có nguy cơ đẩy quan hệ hai nước trước "lằn ranh đỏ".
Diễn biến mới nhất trong căng thẳng Ấn - Trung
Tới thời điểm này, 2 tuần sau vụ đụng độ chết người giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), tình hình căng thẳng trên thực địa vẫn chưa được giải quyết. Theo nguồn tin quốc phòng Ấn Độ, các đơn vị quân đội của cả 2 nước chưa có những bước lùi đáng kể nào, mặc dù binh lính Trung Quốc đã ít xuất hiện công khai hơn. Điều này đi ngược lại thỏa thuận mà lãnh đạo cấp tướng của quân đội hai nước đã thống nhất hôm 22/6, theo đó binh lính sẽ phải rút khỏi các vị trí tiền tiêu để giảm nguy cơ va chạm đáng tiếc.
Ngoài việc không rút quân, phía Trung Quốc thậm chí còn không dỡ bỏ các cấu trúc đúc sẵn hoặc bán kiên cố được dựng lên từ hồi giữa tháng 5 tại các khu vực tranh chấp dù chỉ huy 2 bên đã nhất trí điều này. Như vậy, trạng thái thù địch vẫn đang được duy trì ngay cả khi hai bên đang mở các kênh đối thoại để hạ nhiệt tình hình.
Trong tuần này, dự kiến Ấn Độ và Trung Quốc sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Cơ chế làm việc về Tham vấn và Điều phối (WMCC) để tìm giải pháp cho tình trạng tranh chấp biên giới. Cuộc họp này sẽ được tổ chức hàng tuần. Phía Ấn Độ sẽ có sự tham gia của các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ.
Có thể thấy, cả Ấn Độ và Trung Quốc dường như rất nỗ lực để hạ nhiệt tranh chấp thông qua các con đường đàm phán. Tuy nhiên, các bước đi của cả hai phía đều cho thấy, họ vẫn đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là đụng độ quy mô lớn xảy ra. Theo truyền thông Ấn Độ, các hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không của Ấn Độ đã được di chuyển tới Đông Ladakh và đã ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ cuối tuần qua. Ấn Độ quyết định hành động sau khi ghi nhận hoạt động của máy bay tiêm kích và trực thăng quân sự Trung Quốc dọc đường LAC.
Trước đó, quân đội Trung Quốc đã điều nhiều tiêm kích hạng nặng như Su-30 và các loại máy bay ném bom chiến lược tới 2 sân bay gần biên giới. Phía Ấn Độ cũng đã phát hiện các máy bay trực thăng Trung Quốc bay cách biên giới khoảng 10 km, rất gần các địa điểm tuần tra thường lệ của quân đội Ấn Độ. Như vậy Ấn Độ đã huy động cả các hệ thống phòng không và nhiều máy bay tiêm kích tới Đông Ladakh nhằm tăng cường năng lực răn đe. Các diễn biến này cho thấy chưa có hành động thực chất nhằm hạ nhiệt tình hình. Điều này là rất nguy hiểm bởi một sai sót nhỏ cũng có thể châm ngòi cho đụng độ.
Toan tính của Ấn - Trung
Có thể thấy những căng thẳng hiện tại là một chuỗi các bước đi có kế hoạch từ trước của Trung Quốc nhằm xác lập thực tế mới tại đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Sở dĩ Trung Quốc muốn đẩy tranh chấp biên giới tới mức đụng độ là do họ muốn tranh thủ sự chưa rõ ràng về đường biên giới cứng giữa hai nước để lấn tới, vừa áp đặt các của mình, vừa đặt được các công trình giúp kiểm soát trên thực địa tại thung lũng Galwan.
Động thái này xảy ra khi mà Ấn Độ vừa đưa vào sử dụng một tuyến đường quan trọng sát biên giới hồi đầu tháng 5. Đoạn đường này dài 25 km nối thị trấn Leh và đèo Karakoram ở Ladakh, cùng 37 cây cầu bắc qua những con sông bị đóng băng trên cao nguyên 5.000 mét. Con đường mới cho phép quân đội Ấn Độ nhanh chóng triển khai vũ khí hạng nặng tới các khu vực mà họ không thể tiếp cận trước đây.
Ngoài ra, nước này còn có kế hoạch hoàn thành thêm 11 tuyến đường khác dọc theo đường LAC trong năm nay. Xa hơn, New Delhi còn muốn tạo nên một hệ thống 61 tuyến đường với tổng chiều dài 3.300 km dọc theo đường LAC vào năm 2023. Theo đánh giá của các nhà phân tích, đây chính là nguyên nhân khiến Trung Quốc đưa quân đội tới khu vực này thách thức và ngăn chặn các kế hoạch của Ấn Độ.
Cần chú ý là các điểm nóng trong đợt căng thẳng này đều nằm trên tuyến tuần tra biên giới của quân đội Ấn Độ. Điều đó cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị kế hoạch nhằm phá vỡ hiện trạng tại LAC, ngăn chặn Ấn Độ thực hiện các quyền của mình. Bối cảnh đó buộc phía Ấn Độ đang phải đẩy nhanh các công trình hạ tầng dọc đường biên giới, không chỉ tại Ladakh mà còn ở nhiều bang khác nhằm xác lập ranh giới, đồng thời tăng cường khả năng kiểm soát vùng biên giới trước các thách thức của Trung Quốc.
Nguy cơ đối đầu quân sự Ấn - Trung
Ấn Độ và Trung Quốc hiện vẫn đang duy trì các kênh liên lạc ở nhiều cấp khác nhau để giải quyết tình hình hiện tại. Đây sẽ là cơ sở để chúng ta tin rằng sẽ chưa thể xảy ra một cuộc đối đầu trên quy mô lớn. Nhưng với những diễn biến trên thực địa trong 2 tuần qua, có thể thấy các cuộc đàm phán ở cấp tướng giữa quân đội hai nước đã không phát huy hiệu quả.
Các nội dung được lãnh đạo quân đội nhất trí đều chưa được thực thi nghiêm túc. Điều này cho thấy hai bên, đặc biệt là Trung Quốc đều chưa đạt được mục tiêu mà mình đặt ra, đó là xác lập nguyên trạng mới, để hậu thuẫn cho các yêu sách chủ quyền mới, cụ thể là tại thung lũng Galwan. Bởi vậy, chắc chắn chưa thể có sự “xuống thang” trong ngắn hạn. Lối thoát cho tình huống hiện tại chỉ có thể thông qua các cuộc đàm phán phân định biên giới. Tuy nhiên, trông đợi vào kết quả như vậy là không khả thi.
Biên giới Ấn - Trung đã không thể phân định rõ ràng suốt nhiều thập kỷ qua, nên khó có thể hoàn thành mục tiêu này trong một vài tháng, vài năm. Rủi ro ở đây là hai nước đang bố trí một số lượng lớn binh lính và vũ khí, thiết bị tại biên giới. Bất cứ tính toán sai lầm nào cũng sẽ gây ra hậu quả lớn./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nguy-co-doi-dau-quan-su-trung-an-1065076.vov