Nguy cơ 'đóng cửa' rừng keo Quảng Ngãi vì giá giảm sâu

Mặc dù mới bước vào đầu mùa khai thác gỗ keo ở các vùng rừng keo nguyên liệu của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng nhiều hộ dân, chủ rừng dừng khai thác, 'đóng cửa' rừng. Nguyên nhân là do giá thu mua liên tục giảm, nên vụ mùa khai thác gỗ keo cho ngành chế biến dăm gỗ ở Quảng Ngãi đìu hiu chưa từng có trong nhiều năm qua.

Điểm tập kết, thu mua gỗ keo tại huyện Sơn Hà.

Điểm tập kết, thu mua gỗ keo tại huyện Sơn Hà.

Người dân trồng rừng khai thác cầm chừng

Anh Trần Văn Đại ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà trồng 6ha keo hơn 5 năm. Rừng keo nằm sâu trong vùng rừng sản xuất thuộc xã Sơn Linh, cách trung tâm huyện 15km đường rừng, dốc núi. Để thu hoạch gỗ keo bán cho các nhà máy chế biến dăm gỗ, anh thuê nhân công, xe công nông lột vỏ, chuyển cây sau khi thu hoạch từ rừng ra đường lớn.

Anh Đại cho biết, khai thác rừng keo vùng sâu nhiều công đoạn khiến chi phí tăng cao từ 12-15%. Sau khi thu hoạch hơn 1,5ha rừng keo thì giá thu mua giảm chỉ còn hơn 1 triệu đồng mỗi tấn, anh Đại quyết định dừng khai thác vì lỗ vốn sau nhiều năm chăm sóc.

“Phải thuê xe nhỏ chở cây từ trong rừng ra phía ngoài đồi tập kết, rồi chất lên xe lớn hơn đưa về các điểm thu mua, tập kết ở xã, huyện. Trước đây rừng keo ở gần thì chi phí đỡ hơn, giờ chỉ còn cây lớn ở đồi núi xa nên tốn công sức nhiều”, anh Đại cho hay.

Ở huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ… của tỉnh Quảng Ngãi bước vào mùa khai thác gỗ keo, nguyên liệu chính cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Không như những năm trước, năm nay, chủ rừng cũng như các cơ sở đầu mối thu mua gỗ keo chỉ khai thác, mua bán cầm chừng.

Ông Đ.T. An ở xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà có 8ha rẫy, đầu tư trồng keo đã nhiều năm nay. Trồng rừng bổ sung hàng năm, hiện ông có hơn 3ha gỗ keo đến thời điểm khai thác.

“Từ Tết đến giờ đã 3 lần nhà máy điều chỉnh giá giảm. Dù rất không muốn nhưng vì không có tiền nên tôi chỉ bán khoảng 1ha lấy tiền xoay sở. Trừ đi chi phí trả công khai thác, vận chuyển, số tiền còn lại không bao nhiêu nhưng đủ cầm cự, chờ giá tốt hơn tôi mới bán tiếp”, ông An nói.

Toàn huyện Sơn Hà có 24.200ha rừng keo, là một trong những vùng nguyên liệu chính cho ngành chế biến, xuất khẩu dăm gỗ của tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi năm, địa phương thu hoạch hơn 5.000ha rừng keo với khoảng 350 nghìn tấn gỗ keo cung ứng cho chế biến dăm, gỗ xuất khẩu.

Đây là nguồn thu nhập chính cho người dân huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua. Tuy nhiên, ngay trong đầu vụ khai thác, nhiều hộ trồng rừng khai thác, sản xuất cầm chừng vì giá cả bấp bênh, lệ thuộc vào việc thu mua của các nhà máy tại chỗ.

Nhà máy liên tục giảm giá thu mua nguyên liệu

Tỉnh Quảng Ngãi có 198.000ha rừng keo, phục vụ cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Những đợt mưa bão trong 2 năm qua gần 100.000 ha rừng vùng nguyên liệu gãy đổ, thiệt hại nặng cho bà con vùng núi, trung du. Rừng keo nguyên liệu cho ngành dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi hiện khai thác chính từ các khu vực rừng sản xuất vùng sâu, đồi núi cao giao thông cách trở.

Các nhà máy thu mua gỗ keo tại chỗ liên tục giảm giá thu mua nguyên liệu.

Các nhà máy thu mua gỗ keo tại chỗ liên tục giảm giá thu mua nguyên liệu.

Chi phí khai thác, vận chuyển từ rừng núi cao về nơi thu mua tăng cao hơn so năm trước. Tuy nhiên, giá thu mua keo tại các nhà máy chế biến dăm gỗ ở huyện miền núi liên tục giảm khiến người trồng rừng càng khó khăn hơn. Tại nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Sơn Hà, huyện Sơn Hà, giá thu mua gỗ keo liên tục giảm từ 1,1 triệu đồng giảm xuống còn hơn 1 triệu đồng mỗi tấn.

“Từ giữa tháng 3 đến nay chúng tôi điều chỉnh giá mua 5 lần. Chúng tôi điều chỉnh nhiều lần, tùy thuộc vào tình hình sản xuất của nhà máy thôi”, ông Hồ Minh Hoành, phụ trách Nhà máy dăm gỗ Nhất Hưng Sơn Hà cho biết.

“Nhà máy thu mua liên tục điều chỉnh giá trong một tuần. Năng xuất keo ở đây khoảng 70-90 tấn mỗi ha, nếu giá hạ như vậy người dân đã mất thêm từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng mỗi ha. Năm nay chi phí phát sinh, rồi giá thì lệ thuộc nhà máy thu mua tại chỗ nữa khó càng thêm khó”, anh Đinh Văn Tuấn, xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây than thở.

Theo các chủ hộ trồng rừng, giá thu mua gỗ keo của các nhà máy chế biến dăm gỗ ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bản tỉnh Quảng Ngãi cao hơn so với các nhà máy ở miền núi từ 90-120 nghìn đồng mỗi tấn. Các nhà máy chế biến ở khu công nghiệp hỗ trợ kỹ thuật khai thác, nhân công cho chủ rừng nâng chất lượng nguyên liệu và giá thành cao hơn.

Tuy nhiên, do nhiều chi phí phát sinh khi vận chuyển về khu công nghiệp Tịnh Ấn Tây, Tịnh Phong, khu kinh tế Dung Quất… nên chủ rừng chưa khai thác rầm rộ như những năm trước. Nhiều chủ rừng “đóng cửa” chờ cân đối chi phí, giá thu mua hợp lý mới khai thác trở lại.

“Sau các đợt mưa bão người dân trồng rừng ở địa phương bị thiệt hại nặng. Đa số ở đây ai cũng trồng rừng sản xuất, chủ yếu là gỗ keo. Đó cũng là nguồn thu nhập của bà con miền núi”, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Hạ cho biết.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 60 nhà máy, cơ sở chế biến dăm, gỗ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Ngãi xuất khẩu 1,2 triệu tấn dăm gỗ với kim ngạch xuất khẩu khoảng 130 triệu USD. Do vậy, khai thác gỗ keo chậm, cầm chừng khiến nhiều nhà máy, cơ sở chế biến, xuất khẩu dăm gỗ khó đạt sản lượng xuất khẩu.

“Hiện nhà máy chưa thu mua được nguồn nguyên liệu để chế biến dăm gỗ và xuất khẩu nên sản lượng thấp hơn năm ngoái. Nếu kéo dài thì hàng xuất khẩu cũng sẽ giảm”, ông N.T., Giám đốc Nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu ở cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi lo lắng.

ĐÔNG HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-lam-an/nguy-co-dong-cua-rung-keo-quang-ngai-vi-gia-giam-sau-690245/