Nguy cơ đột quỵ, ung thư da vì nắng nóng

Nhiệt độ miền Bắc tăng cao khiến nhiều người bị sốc nhiệt khi ra ngoài trời. Đặc biệt, nắng nóng còn có nguy cơ gây đột quỵ, ung thư da.

Say nắng có thể gây đột quỵ.

Đến hẹn... lại lo

Theo các chuyên gia y tế, nắng nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe người dân. Bác sĩ Đào Việt Phương, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Hằng năm, cứ khi nắng nóng xảy ra, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ. Hầu hết là những người phải đi ra ngoài trời nắng nhiều hoặc người có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não...

Một xu thế đáng lo ngại những năm gần đây là tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đang có xu hướng tăng, trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới và có người đột quỵ mới 12 tuổi. Cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, người trẻ có xu hướng ít vận động, lối sống, sinh hoạt không khoa học và sử dụng nhiều rượu, bia, chất kích thích nên phải đối mặt với nguy cơ mắc các loại bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu..., dễ bị đột quỵ.

Bên cạnh nỗi lo đột quỵ khi thời tiết nắng nóng thì nguy cơ ung thư da cũng xuất hiện. Bác sĩ Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị cháy nắng, bong da, cá biệt có trường hợp lột da, chủ yếu gặp ở những công nhân phải làm việc ngoài trời trong giai đoạn nắng nóng cao điểm.

Theo bác sĩ Diệp, thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày là từ 10h đến 14h. Vì thế, người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm này. Các trường hợp tiếp xúc ánh nắng kéo dài dễ mắc bệnh mãn tính như nám má, sạm da, lão hóa da, nguy hiểm hơn là ung thư da.

Khi da bị cháy nắng, thường cần vài ngày, thậm chí là vài tuần để hồi phục. Cũng có những người bị tổn thương da nặng có thể gặp những biến chứng khác, vì vậy, khi bị cháy nắng thì cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Duy trì nếp sinh hoạt khoa học

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ dưới trời nắng là đột ngột mất ý thức, ngất, da nóng ran. Người có nguy cơ đột quỵ cũng sẽ đổ nhiều mồ hôi, da ẩm ướt, yếu nửa người (liệt tay, chân, méo mặt...), không cử động được, không nói được hoặc khó nói, nói ngọng, không xác định được thời gian và không gian.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cách xử trí, sơ cứu người có dấu hiệu đột quỵ chuẩn nhất là nhanh chóng đưa họ đến bệnh viện có chuyên khoa điều trị đột quỵ. Song, trước đó, cần đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát, cởi bỏ bớt hoặc nới rộng quần áo, lau mát người. Nếu bệnh nhân bị ngất hoặc hôn mê thì không được cho uống nước vì dễ gây sặc, nước vào phổi. Trường hợp bệnh nhân ngừng tim (bắt mạch hoặc sờ không thấy tim đập) thì phải làm hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.

Để phòng ngừa đột quỵ trong mùa hè, người dân chủ động theo dõi thời tiết để lên kế hoạch hoạt động phù hợp. Người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, hoặc đã từng đột quỵ được khuyến cáo không nên đi lại, làm việc vào ngày nắng nóng, nhất là từ 10h - 16h. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khuyên mọi người luôn giữ tinh thần thoải mái, ăn uống lành mạnh, tăng cường trái cây, rau, ngủ đủ giấc, kiểm soát huyết áp và đường huyết, tránh xa rượu, bia, thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát nguy cơ đột quỵ.

Những người từng bị đột quỵ cần thận trọng hơn trong việc theo dõi sát sao sức khỏe định kỳ, dùng thuốc theo chỉ định, đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường. Những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu... cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh cũng như kiểm soát yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Nên đặt thuốc ở vị trí dễ nhớ, nếu cần có thể đặt báo thức để nhắc nhở việc uống thuốc đúng giờ, đừng vì nắng nóng mệt mỏi mà quên đi việc quan trọng này.

An Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1000011/nguy-co-dot-quy-ung-thu-da-vi-nang-nong