Nguy cơ dự án phải trả lại vốn do vướng đất rừng

ĐBP - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải tạm dừng thi công do vướng vào rừng và đất rừng phải đợi điều chỉnh quy hoạch, cấp có thẩm quyền phê duyệt, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân nguồn vốn. Một số dự án đã sắp hết thời gian thực hiện và đang có nguy cơ cao phải trả lại nguồn vốn nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra Dự án Đường Huổi Điết - Nậm Piền - Đán Đanh (đoạn vướng vào đất rừng).

Dự án Đường Huổi Điết - Nậm Piền - Đán Đanh, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định 363/QĐ-UBND ngày 26/4/2018, do UBND huyện Mường Chà làm chủ đầu tư. Dự án có với tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và vốn nhân dân đóng góp. Thời gian thực hiện và kết thúc dự án 2019 - 2020. Tuy nhiên, do vướng vào 1,84ha rừng tự nhiên (chiều dài dọc tuyến đường khoảng 200m), chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nên đến nay dự án chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Gia Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Mường Chà cho biết: Huyện đã nhiều lần trình tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhưng đến nay chưa được phê duyệt. Vì vậy, ngày 6/5/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu thi công xây lắp của Dự án Đường Huổi Điết - Nậm Piền - Đán Đanh đến hết năm 2021. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huyện, tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra thực tế, nhưng dự án không thể điều chỉnh hướng tuyến để tránh đi qua diện tích rừng, do một bên là suối sâu và một bên là rừng. Trong khi đó, từ nay đến hết năm 2021 chỉ còn khoảng 1,5 tháng, nếu không tháo gỡ được vướng mắc đất rừng thì dự án hết thời gian thi công và phải trả lại vốn. Thậm chí, nếu dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển đổi mục đích rừng trước khi năm 2021 kết thúc thì cũng rất khó để chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện hoàn thành được dự án đúng như kế hoạch.

Tương tự, Dự án Đường Keo Lôm - Xam Măn - Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) giai đoạn II (đoạn Huổi Xa - Phình Giàng) có chiều dài 12,24km với tổng mức đầu tư hơn 33 tỷ đồng, do UBND huyện Điện Biên Đông làm chủ đầu tư, hiện nay cũng đang vướng vào đất rừng, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển đổi. Vì vậy, Dự án mới hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc. Và nếu như hết năm nay, Dự án vẫn không được chuyển đổi đất rừng, không triển khai thi công được thì nguồn vốn sẽ bị thu hồi hoặc điều chuyển sang các dự án khác.

Theo thống kê của Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều dự án đang vướng vào đất rừng và cần được chuyển đổi. Thậm chí có những dự án đã hết nhu cầu chuyển đổi hoặc xin chỉnh hướng tuyến để không vướng vào đất rừng. Toàn tỉnh có 4 dự án đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đã hoàn thiện lại hồ sơ theo quy định mới); 3 dự án đã trình nhưng đang hoàn thiện hồ sơ và 2 dự án đã trình nhưng chưa hoàn thiện lại hồ sơ. Bên cạnh đó, có 10 dự án đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về không có nhu cầu chuyển đổi tiếp do đã quá lâu hoặc dự án điều chỉnh hướng tuyến. Việc dự án vướng vào đất rừng không những làm chậm tiến độ thực hiện, mà còn ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh; thậm chí dự án có nguy cơ bị thu hồi trả lại vốn.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì một số quy định còn bất nhất, mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 20 của Luật Lâm nghiệp 2017 cho phép HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới... dưới 20ha; rừng sản xuất dưới 50ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư. Thế nhưng tại Khoản 2, Điều 14 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 lại quy định không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt. Trong khi, hầu hết các dự án vướng vào đất rừng trên địa bàn tỉnh đều rơi vào rừng tự nhiên, phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191835/nguy-co-du-an-phai-tra-lai-von-do-vuong-dat-rung-