Nguy cơ dừng hoạt động, nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn được cấp tiền gấp
Các bên đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tiếp tục hoạt động bình thường.
Thời gian gần đây, thông tin nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có nguy cơ dừng hoạt động đã gây xôn xao dư luận. Cụ thể, Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1.2022 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13.2.2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính, bắt nguồn từ việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) Hợp đồng FPOA.
Tuy nhiên, về sự việc này, PVN cho biết theo điều lệ công ty, Ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành Nhà máy… Việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP. Các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán.
PVN khẳng định đang nỗ lực đàm phán, thuyết phục và thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả.
Trước sự việc này, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã gửi công văn khẩn cấp đến Bộ Công Thương về trường hợp bất thường trong việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa Việt Nam. Petrolimex cảnh báo nguy cơ thiếu nghiêm trọng nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa do giảm, dừng hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Theo đó, Petrolimex kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng công suất, tăng lượng cấp để bù đắp lượng thiếu hụt theo hợp đồng. Chỉ đạo thương nhân đầu mối cùng Petrolimex chia sẻ trách nhiệm, tăng cường bán ra, đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trước sự việc này, tối nay 28.1, PVN đã lên tiếng cho biết đàm phán được với các đối tác nước ngoài tại Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn về chủ trương, nguyên tắc xây dựng phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP. Cuộc đàm phán này bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Dầu khí quốc tế Cô Oét - KPE, Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản - IKC và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản- MCI
"Với mục tiêu vận hành ổn định, hiệu quả, bền vững, tuân thủ quy định, luật pháp hiện hành, các bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc NSRP và thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn thông qua gia hạn cơ chế RPA và thanh toán sớm hợp đồng FPOA để giúp NSRP cải thiện dòng tiền, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc", đại diện PVN khẳng định.
Trao đổi với báo giới về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thẳng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu Lọc dầu Nghi Sơn có trách nhiệm cung cấp đủ theo hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Dẫn quy định tại Nghị định 95, Thứ trưởng Công Thương cho hay, trường hợp bên cung ứng không sản xuất đủ sẽ phải nhập khẩu hoặc tìm nguồn để bù đắp cho lượng thiếu hụt đã ký với các đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Bộ này cũng yêu cầu một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thị phần lớn như Petrolimex, PVOil... chủ động tìm nguồn cung, để đảm bảo an ninh năng lượng, tránh đứt đoạn cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân.
Với vốn đầu tư 9 tỉ USD, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Nhà máy do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI). Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Theo thỏa thuận với nhà đầu tư, Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó).
PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tùy chủng loại mặt hàng. Theo các tính toán trước đây, tập đoàn này cho biết có thể phải bù lỗ 1,5-2 tỉ USD cho Nghi Sơn.