Nguy cơ dược phẩm giả trên toàn cầu
Ngày 15-2, Bộ Y tế Nhật Bản bắt đầu cung cấp thuốc Remdesivir với số lượng hạn chế cho các bệnh viện để chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng.
Trong bối cảnh thế giới còn đang loay hoay để phát triển thuốc điều trị virus SARS-CoV-2, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cảnh báo, các tổ chức tội phạm có thể lợi dụng tình hình hiện nay để tạo ra một làn sóng dược phẩm giả trên quy mô toàn cầu.
Thuốc chưa đủ
Phát biểu tại họp báo ngày 12-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản Kato cho biết, Bộ Y tế nước này sẽ tiếp tục thống kê số bệnh nhân tại các bệnh viện cần sử dụng thuốc Remdesivir để cung cấp số lượng thích hợp. Thuốc kháng virus Remdesivir của công ty Mỹ Gilead Sciences được kỳ vọng sớm cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân nặng và đã được bộ trên cấp phép sử dụng kể từ ngày 7-5 với thủ tục đặc biệt. Số thuốc Remdesivir trong kho của công ty này hiện nay chỉ đủ cung cấp cho khoảng 10.000 người. Gilead Sciences sẽ nâng lên mức 500.000 liều vào tháng 10 và 1 triệu liều vào tháng 12 tới, sau khi chính thức triển khai hệ thống cung ứng từ tháng 6.
Ngoài ra, kể từ ngày 13-5, Bộ Y tế Nhật Bản sẽ chấp thuận sử dụng biện pháp xét nghiệm kháng nguyên để xác định bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 với thời gian rút ngắn xuống còn 15 - 30 phút. Bộ Y tế Nhật Bản đặt mục tiêu sử dụng phương pháp kháng nguyên để xét nghiệm cho 400.000 trường hợp mỗi tuần. Biện pháp này trước mắt sẽ được sử dụng tại các cơ sở xét nghiệm của các địa phương, các sân bay, nơi có nguy cơ cao... Do độ chính xác của phương pháp xét nghiệm kháng nguyên thấp nên các trường hợp phát hiện dương tính qua phương pháp này phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR để khẳng định một lần nữa.
Tâm lý hoảng sợ bị lợi dụng
Trong khi chờ đợi vaccine chống virus SARS-CoV-2 mà theo dự báo chỉ có thể được hoàn thiện từ giữa năm 2021, Tổng Thư ký Interpol, ông Jürgen Stock, cảnh báo, các tổ chức tội phạm có thể lợi dụng việc phát triển thuốc điều trị virus SARS-CoV-2 để tạo ra một làn sóng dược phẩm giả trên quy mô toàn cầu.
Hãng tin Đức DPA dẫn lời ông Stock cho rằng, việc buôn bán bất hợp pháp dược phẩm giả sẽ tăng lên khi một loại thuốc cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị hoặc làm giảm tình trạng bệnh. Theo ông Stock, tội phạm đang nhanh chóng thích nghi với diễn biến của dịch Covid-19, trong đó chúng lợi dụng sự lo lắng, sợ hãi và khó khăn của mọi người để thực hiện các hoạt động tội phạm, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở châu Á hiện đang cố gắng thâm nhập thị trường này. Chúng tự hạ thấp giá cả, không tuân thủ các quy định liên quan và tìm mọi cách để thâm nhập vào các nền kinh tế hợp pháp. Theo Interpol, nguy cơ này cũng có thể trở thành vấn đề lớn đối với các khu vực khác trên thế giới. Ông Stock nhận định, điều này cũng tương tự như đối với các vật tư y tế giả, trong đó có khẩu trang hoặc chất khử trùng.
Trong số các hàng hóa và vật tư y tế, thuốc gốc (generic drug) là một trong những mặt hàng dễ bị tổn thương nhất. Hiện nay, các nhà sản xuất thuốc Nhật Bản phải nhập khẩu gần 50% hoạt chất gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia khác. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang phải nhập khẩu khoảng 70% - 80% khẩu trang phẫu thuật, chủ yếu từ Trung Quốc. Điều này cho thấy, nước này đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) của Nhật Bản đang thu thập thông tin về hơn 400 doanh nghiệp tình nguyện hỗ trợ cung cấp hàng hóa, vật tư y tế ngoài các doanh nghiệp hiện nay.
Theo trang worldometers.info, tính tới 16 giờ 30 ngày 12-5 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận 4.271.689 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 287.613 ca tử vong.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nguy-co-duoc-pham-gia-tren-toan-cau-662046.html