Nguy cơ gi từ việc thương lái gom mua bọ độc 3 sọc?
Việc thương lái Trung Quốc gom mua bọ độc 3 sọc với giá cao bất thường làm dấy lên lo ngại người dân có thể nuôi loài vật dịch hại này.
Thời gian gần đây, loại dịch hại bọ 3 sọc (còn gọi là sâu ban miêu hay sâu đậu) được người dân các tỉnh Tây Nguyên săn lùng để bán cho thương lái Trung Quốc với mức giá "trên trời" lên tới 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, người dân không hề biết thương lái Trung Quốc thu mua bọ 3 sọc để làm gì.
Nhiều người dân ở Đăk Sút, xã Đăk Kroong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết, trước đây loài bọ 3 sọc này đầy rẫy tại các vườn nhà, nương rẫy nhưng không ai mua vì đây là loại côn trùng có thể gây mẩn ngứa cho người tiếp xúc. Mới đây có thương lái hỏi mua nên người trong làng rủ nhau đi bắt.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, bọ 3 sọc là loài dịch hại phát triển ngoài đồng ruộng nên việc người dân bắt bán cho thương lái Trung Quốc không gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với mức giá đắt đỏ mà thương lái Trung Quốc đang thu mua, rất có thể gây nên tình trạng người dân đổ xô nuôi để bán lấy lời.
Đây không phải là lần đầu tiên thương lái Trung Quốc gom mua các mặt hàng lạ ở Việt Nam. Gần đây nhất, hồi tháng 7, nhiều thương lái đến các làng nghề làm khô ở miền Tây thu mua vảy cá lóc, cá sặc rằn - một loại phế phẩm bỏ đi. Giá thu mua lần lượt tăng từ 500 đồng/kg lên hơn 10.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên tới 12.000 đồng/kg. Theo người dân, bao nhiêu vảy cá thương lái cũng mua hết.
Tuy nhiên, khi được hỏi có biết thương lái thu mua vảy cá chở đi đâu và làm gì thì hầu hết mọi người đều không biết.
Đầu năm nay, việc thương lái Trung Quốc cho người dân mượn máy kích để cày đất dụ giun nổi lên dấy lên nhiều lo ngại. Nếu như 4 năm trước, giun đất sấy khô được thu mua với giá 8.000 đồng/kg thì nay lên đến khoảng 600.000 đồng/kg. Lợi ích tài chính trước mắt tăng lên nhưng độ phì nhiêu và tơi xốp của hàng nghìn ha đất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Còn nhớ cuối ăm 2012, không ít người nông dân hái lá điều đem phơi khô, thậm chí phun hóa chất để lá điều rụng hàng loạt nhằm đáp ứng nhu cầu thu mua của thương lái Trung Quốc. Việc làm này đã ảnh hưởng đến năng suất cây điều trong vụ mùa tiếp theo.
Không chỉ có vậy, nhiều năm qua hàng loạt phế phẩm tưởng chừng bỏ đi như phân trâu, đuôi trâu, xơ dừa, ốc bươu vàng, rễ sim, rễ tiêu… cũng liên tục được các thương nhân Trung Quốc thu mua với mức giá cao bất thường mà không rõ mục đích sử dụng.
Các chuyên gia cảnh báo, người dân cần tỉnh táo trước mọi yêu cầu thu mua sản phẩm lạ của thương lái. Bởi, hậu quả thấy rõ là sau mỗi đợt gom mua này, tình hình kinh tế ở các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn đề ô nhiễm môi trường hay hoạt động nông nghiệp bị tác động xấu...
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nguy-co-gi-tu-viec-thuong-lai-gom-mua-bo-doc-3-soc-d494614.html