Nguy cơ gia tăng bệnh tăng huyết áp khi thời tiết chuyển lạnh

Vào mùa đông, thời tiết lạnh giá sẽ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, dễ gây các biến chứng nguy hiểm. Điều đáng nói là phần lớn bệnh nhân không biết mình mắc bệnh tăng huyết áp cho đến khi đột ngột bị tai biến mạch não, liệt, hôn mê. Vì trên thực tế, tăng huyết áp khó phát hiện, 90% trường hợp mắc bệnh không có biểu hiện điển hình.

 Khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp cho người dân. Ảnh: Bích Nga

Khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp cho người dân. Ảnh: Bích Nga

Theo bác sĩ Võ Khắc Mạnh, Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị thì tăng huyết áp là trạng thái máu lưu thông với áp lực tăng liên tục. Một người được xác định là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. tăng huyết áp được xem là một bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay. Nếu như năm 2000 mới có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp thì đến năm 2016, tỉ lệ tăng huyết áp ở người lớn ở mức báo động là 46%. Tăng huyết áp thường gặp ở lứa tuổi trung niên. Các biến chứng nghiêm trọng của tăng huyết áp như tai biến mạch máu não (xuất huyết não, nhũn não), biến chứng về mắt (xuất huyết, xuất tiết, phù gai thị, thậm chí là mù lòa), biến chứng về thận (suy thận, đái ra protein) và các biến chứng tim mạch (suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành)… dễ xảy ra khi thời tiết chuyển sang mùa lạnh như hiện nay.

Ghi nhận tại các trung tâm y tế và bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh trong những ngày gần đây khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, số bệnh nhân nhập viện do biến chứng tăng huyết áp tăng rõ rệt. Nếu những ngày bình thường chỉ ghi nhận rải rác khoảng 3-5 ca/tháng thì vào những ngày trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp như vừa qua, việc tiếp nhận 3 bệnh nhân một ngày trở nên phổ biến. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Niên (46 tuổi), ở thị xã Quảng Trị nói bản thân không hay biết mình bị tăng huyết áp cho đến khi phải nhập viện vì có các biểu hiện như choáng, buồn nôn, đau tức ngực, bủn rủn tay chân. Ông cho hay: “Tôi thường ăn mặn, ăn đồ chiên xào, uống rượu bia và có thói quen tập thể dục ngoài trời vào lúc sáng sớm dù là mùa đông hay mùa hè. Không hiểu sao hôm đó trời trở lạnh đột ngột làm tôi có cảm giác như trúng gió nhưng biểu hiện mỗi lúc một tăng khiến tôi rất mệt mỏi. Khi được người nhà đưa vào viện tôi được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Còn bà Trần Thị Hương (52 tuổi), một bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp ở TP. Đông Hà lại chủ quan không dùng thuốc giảm huyết áp vì thấy huyết áp của mình đã ổn định và nghĩ rằng chỉ khi nhiệt độ cao mới ảnh hưởng đến bệnh tăng huyết áp chứ nhiệt độ thấp thì không đáng ngại. Kết quả là bà phải nhập viện vì bị đột quỵ do huyết áp tăng cao đột ngột.

Thực tế có rất nhiều người dân lầm tưởng chỉ khi nhiệt độ cao mới ảnh hưởng đến huyết áp. Tuy nhiên, theo lí giải của các bác sĩ chuyên khoa thì khi nhiệt độ thấp cơ thể vì muốn duy trì thân nhiệt ổn định, giảm bớt sự tỏa nhiệt, các mao mạch sẽ phải co lại khiến lực cản huyết quản điều tiết bên ngoài tăng lên làm cho huyết áp tăng cao và có thể gây nên những biến chứng như xuất huyết não, đứt mạch máu do thiếu máu và thậm chí là tử vong do nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân tăng huyết áp thường tự ý dừng uống thuốc khi đo huyết áp thấy ở mức bình thường, khi nào thấy huyết áp tăng cao thì lại uống. Điều này theo các bác sĩ là thực sự nguy hiểm vì huyết áp đã về mức bình thường là do tác dụng của thuốc, nếu dừng, nồng độ thuốc không còn nên chắc chắn huyết áp lại tăng cao. Hơn nữa khi huyết áp cao thường không có biểu hiện gì đặc biệt nên người bệnh khó nhận biết và đây là nguyên nhân dẫn đến biến chứng như xuất huyết não, thường để lại di chứng nặng nề.

Bệnh tăng huyết áp có thể phòng ngừa hiệu quả và duy trì ở mức lí tưởng 120/80 mmHg nhờ các biện pháp tích cực thay đổi lối sống lành mạnh cũng như tuân thủ các nguyên tắc sinh hoạt trong mùa lạnh. “Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh; mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài. Dùng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh. Tạo môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh: ăn đủ lượng kali, nhiều cá, ít thịt. Bổ sung vào thực đơn những loại thức ăn nhiều tinh bột và chất xơ như trái cây, rau quả, ngũ cốc còn nguyên vỏ, mì và đậu. Nên giảm bớt lượng muối ăn dưới 6g/ngày (tương đương 1 muỗng cà phê), giảm bơ, thịt mỡ hoặc thịt đỏ, da của gia cầm, sữa, pho mát, thức ăn chiên, kem, bánh ngọt, bánh nướng và snack trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Những người nghiện thuốc nên bỏ hẳn thuốc lá; kiêng uống rượu, bia, chè, cà phê và những chất kích thích khác. Kiểm soát cân nặng, để giảm nguy cơ béo phì, có thể tác động đến việc huyết áp tăng cao. Duy trì chỉ số BMI (cân nặng/chiều cao x chiều cao) trong khoảng từ 18,5-24. Giảm vòng eo: nam ≤ 90cm, Nữ ≤ 80cm. Tăng cường rèn luyện thể lực mỗi ngày, tập những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, bóng bàn, cầu lông, khí công dưỡng sinh, Yoga… Luôn giữ tinh thần thoải mái, thư giãn mỗi khi áp lực công việc quá nặng nề. Duy trì sinh hoạt hợp lí, ngủ đủ giấc. Cần chủ động kiểm tra huyết áp thường xuyên không đợi đến lúc có triệu chứng cơ năng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt thì sẽ giảm các biến cố tim mạch. Nhất là với gia đình có tiền sử cao huyết áp, con cái cũng cần chú ý, kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kì. Khi bị bệnh cần thực hiện tốt chỉ định của thầy thuốc; uống thuốc đều, lâu dài ngay cả khi không có triệu chứng và con số huyết áp được hạ xuống mức bình thường. Tuyệt đối không tự động bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác hoặc dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác để điều trị cho mình”, bác sĩ Võ Khắc Mạnh khuyến cáo.

Bích Nga

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144607