Nguy cơ hạn hán, trâu bò ra giữa lòng hồ gặm cỏ

Nghệ An đang đứng trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra sớm trên diện rộng. Có lưu vực hồ chứa Vệ Vừng thuộc xã Đồng Thành nước khô cạn, trâu, bò ra giữa lòng hồ gặm cỏ.

Hồ chứa thiếu nước

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Nghệ An, hiện nguồn nước trữ tại các hồ chứa lớn nhỏ ở địa phương này chỉ đạt khoảng 40 - 70% dung tích thiết kế.

Nếu như các năm trước, thời điểm hiện tại hồ Khe Gỗ (huyện Nghi Lộc) đã chứa đầy nước sau một mùa mưa lụt, năm nay mực nước trên hồ chỉ đạt trên 60%. Hồ có dung tích 5,4 triệu mét khối, phục vụ tưới cho 270- 300 ha lúa của xã Nghi Lâm, phục vụ nước tạo nguồn cho 3 trạm bơm trên địa bàn.

Người dân huyện Nghi Lộc (Nghệ An) làm đất sản xuất vụ xuân.

Người dân huyện Nghi Lộc (Nghệ An) làm đất sản xuất vụ xuân.

Ông Ngô Trí Vinh, Trưởng Ban quản lý hồ Khe Gỗ cho biết, sau đợt hạn năm 2018 tình trạng này mới quay lại. "Nguồn nước tưới đã có thể khó khăn ngay từ vụ xuân chứ chưa nói đến sản xuất hè thu. Các năm trước, mực nước hiện tại đã đạt tràn 22,2m, năm nay chỉ đạt 35- 36% so với năm ngoái", ông Vinh nói.

Không chỉ hồ Khe Gỗ, mà 6 hồ khác ở huyện Nghi Lộc cũng nằm trong tình trạng tương tự, lượng nước tích được thấp so với mọi năm. Có dung tích 3 triệu m3, hồ Khe Xiêm tưới cho 250 ha lúa của Nghi Lộc, lượng nước tích được trong hồ đến thời điểm này cũng chỉ đạt 50% dung tích thiết kế. Có thể nói, đã nhiều năm mới xảy ra tình trạng nguồn nước hồ cạn tới một nửa ngay từ đầu vụ đông xuân như hiện nay.

Theo ông Phạm Thế Phi, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Thủy lợi Nam, lượng mưa trong hệ thống năm 2023 chỉ bằng ½ so với năm 2022. Công ty hiện quản lý 13 hồ đập, tưới cho gần 4.000 ha lúa. Nếu như mọi năm toàn bộ các hồ đều tích đầy nước sau mùa mưa lụt thì năm nay chỉ có 7 hồ tích đầy nước, 6 hồ còn lại mới tích được 40- 60% dung tích hồ.

Một trong những lưu vực hồ chứa Vệ Vừng thuộc xã Đồng Thành nước khô cạn, trâu, bò ra giữa lòng hồ gặm cỏ (Ảnh chụp ngày 21/6).

Một trong những lưu vực hồ chứa Vệ Vừng thuộc xã Đồng Thành nước khô cạn, trâu, bò ra giữa lòng hồ gặm cỏ (Ảnh chụp ngày 21/6).

"Kể cả những năm trước đây, nếu thời tiết nắng nóng gay gắt, đến gần cuối vụ hè thu cũng đã phải hỗ trợ bơm tưới dầu ở một số hồ như Khe Xiêm (Nghi Lộc), hồ Thanh Thủy (Nam Đàn)… Riêng năm nay, nguồn nước hồ đập chỉ có thể đảm bảo cho sản xuất vụ xuân, sang vụ hè thu sẽ rất khó khăn, thậm chí nếu không có mưa bổ sung, sẽ có rất nhiều diện tích không thể phục vụ tưới", ông Phi lo ngại.

Đối phó với nguy cơ hạn hán, ngay từ đầu vụ, Công ty TNHH Thủy lợi Nam có văn bản giao xí nghiệp, trưởng hồ mở nước tiết kiệm. Nếu từ nay đến vụ hè thu vẫn không có mưa bổ sung thì phải chuẩn bị máy bơm dầu để tiến hành bơm tận dụng lượng nước đọng, nước chết còn lại dưới đáy hồ khi nguồn nước hồ không thể tự chảy qua cống. Đồng thời khuyến cáo địa phương về mực nước hiện tại của các hồ để chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý trong vụ hè thu.

Tỉnh Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa lớn nhỏ, đến nay có hơn một nửa trong số đó có dung tích thiếu hụt, số hồ chứa đầy nước ít hơn hẳn so mọi năm, đặc biệt là 959 hồ chứa do địa phương quản lý có tới hơn 100 hồ đập có dung tích chỉ đạt từ 40-70% dung tích thiết kế.

Theo ngành Nông nghiệp Nghệ An

Lên phương án ứng phó hạn hán

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, ngoài khó khăn về nguồn nước, việc phục vụ tưới cho sản xuất còn gặp khó do nhiều công trình xuống cấp, hệ thống kênh mương còn nhiều bất cập gây thất thoát, lãng phí nước. Vì vậy, không chỉ tiết kiệm nước dành cho vụ hè thu - mùa mà chúng ta cần sớm có phương án cấp nước, chống hạn ngay từ vụ xuân trước mắt.

Các địa phương, đơn vị cần xây dựng sớm phương án cấp nước, căn cứ nguồn nước hiện tại để bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý. Phải kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất và cấp nước khi nguồn nước thay đổi. Đẩy nhanh tiến độ tu sửa kênh mương, đảm bảo 100% công trình tưới sẵn sàng vận hành phục vụ sản xuất. Tưới tiết kiệm, điều hành phân phối nước hợp lý, tưới luân phiên giữa các vùng trong hệ thống và giữa các công trình trong vùng, không để mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, kiểm tra chặt chẽ chất lượng nước không để nhiễm mặn xảy ra. Do vậy, cần phải xây dựng kế hoạch theo tháng, theo quý từ bây giờ.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Thủy lợi Nam kiểm tra tình hình nguồn nước tại hồ Khe Gỗ (Nghi Lộc, Nghệ An).

Cán bộ kỹ thuật Công ty Thủy lợi Nam kiểm tra tình hình nguồn nước tại hồ Khe Gỗ (Nghi Lộc, Nghệ An).

Đồng thời có đánh giá khu vực nào chịu ảnh hưởng nặng nhất, khả năng cấp nước sản xuất. Phải xác định các vùng trọng điểm bị hạn để chủ động các giải pháp ngay từ bây giờ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, ngành Nông nghiệp cũng sẽ đề nghị tỉnh chỉ đạo, phối hợp các nhà máy thủy điện tiếp tục ưu tiên xả nước khi nhu cầu nước sản xuất, dân sinh vùng hạ du tăng cao. Các địa phương có trạm bơm lấy nước trên sông Cả phải chủ động lấy nước và dự trữ vào hệ thống, trên ruộng đồng khi các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê tăng lưu lượng xả và phải ưu tiên nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-han-han-trau-bo-ra-giua-long-ho-gam-co-169240111093011466.htm