Nguy cơ hạn hán vào mùa hè vẫn hiện hữu ở Anh

Nước Anh có thể tiếp tục đối mặt với một đợt hạn hán khác vào mùa hè năm nay nếu lượng mưa thấp hơn mức trung bình trong những tháng tới.

Mực nước hồ xuống thấp do hạn hán tại Kent, đông nam nước Anh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mực nước hồ xuống thấp do hạn hán tại Kent, đông nam nước Anh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo phân tích sơ bộ của Cơ quan Môi trường Anh về tác động của thời tiết ẩm ướt gần đây đối với mực nước cho thấy, phần lớn nước Anh “vẫn còn hạn hán” vào giữa tháng 12, với một số mực nước hồ chứa thấp hơn nhiều so với mức bình thường.

Đợt nắng nóng xảy ra vào mùa hè năm 2022, dẫn đến tình trạng khô hạn trên diện rộng và buộc nhiều vùng của Anh phải cấm sử dụng vòi nước để tưới cây, đã làm dấy lên lo ngại về an ninh nguồn nước và vấn đề rò rỉ đường ống nước, khi các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến mùa hè nóng hơn và khô hơn trong tương lai. Trọng tâm khơi lại cuộc tranh luận về hiệu quả của hệ thống nước đã được tư nhân hóa của Anh, trong đó 1/5 lượng nước cung cấp bị thất thoát hàng năm.

Khắc phục nhiều chỗ rò rỉ là một phần quan trọng trong việc chống hạn hán của Anh nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Giám đốc Điều hành của Cơ quan Môi trường, ông John Leyland cho biết: “Trong mùa đông, chúng tôi mong đợi các công ty cấp nước khắc phục và giảm thiểu rò rỉ, xác định các nguồn nước mới và làm việc với nông dân, người trồng trọt và các ngành khác để bảo vệ nguồn nước quý giá của chúng ta nếu hạn hán vẫn tiếp diễn vào năm tới”.

Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, ông John Leyland cũng đã đưa ra cảnh báo về khả năng thiếu nước trong năm 2023.

Cốt lõi của vấn đề là cơ sở hạ tầng nước cũ kỹ, một số trong đó đã 150 tuổi. Rò rỉ xảy ra phổ biến trên mạng lưới đường ống dài 350.000 km chạy khắp nước Anh, nhưng thường nhỏ và không thể nhìn thấy từ mặt đất nên khó xác định chính xác vị trí rò rỉ.

Giáo sư giám sát cơ sở hạ tầng tại Đại học Birmingham Nicole Metje cho biết: “Mạng lưới rộng lớn đến mức ngay cả khi bạn có thêm một khoản đầu tư đáng kể thì bạn cũng không thể nói rằng chúng tôi có thể làm lại mọi đường ống đã hơn 20 năm tuổi. Phải mất thời gian và con người để khắc phục rò rỉ”.

Vấn đề rò rỉ đường ống nước đã giảm khoảng một phần ba kể từ năm 1992, ngay sau khi tư nhân hóa vào năm 1989, nhưng tốc độ tiến triển đã chậm lại từ khoảng năm 2011. Theo cơ quan thương mại Water UK của Anh, so với các nước phát triển khác, tỷ lệ rò rỉ của Pháp tương tự như của Anh, nhưng Đức và Nhật Bản đã thay thế nhiều đường ống cũ hơn và hiện quản lý tốt hơn vấn đề rò rỉ.

Nhiều công ty cấp nước của Anh thiếu bản đồ hoàn chỉnh về mạng lưới đường ống cấp nước và các nỗ lực khắc phục rò rỉ thường bị động khi được báo cáo sự cố. Giáo sư Metje cho biết, chương trình thay thế sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng nhiều hơn cái gọi là “đường ống thông minh” theo dõi lưu lượng nước trong thời gian thực. Giáo sư Metje cho biết thêm: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang bỏ lỡ cơ hội, khi không cài đặt các hệ thống thông minh trong quá trình nâng cấp định kỳ”.

Hiện nay, Chính phủ Anh đã đặt mục tiêu cho ngành giảm một nửa tỷ lệ rò rỉ vào năm 2050, trong khi Cơ quan Quản lý Dịch vụ cung cấp nước của Anh (Ofwat) đặt mục tiêu 5 năm là giảm 16% vào năm 2025.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, các mục tiêu của cơ quan quản lý ngành quá mềm và mức phạt mà cơ quan này có thể áp dụng cho việc bỏ sót chúng là quá nhỏ. Họ đã kêu gọi Ofwat kiểm soát chặt chẽ các công ty cấp nước, đặt ra số tiền họ có thể tính phí cho khách hàng trong giai đoạn quy định 5 năm tiếp theo kể từ năm 2025.

Nathan Richardson, người đứng đầu bộ phận chính sách và chiến lược của nhóm Chiến dịch Waterwise cho biết: “Quá nhiều tiền đã bị rút khỏi lĩnh vực này mà lẽ ra có thể dùng để đầu tư”.

Nhưng cơ quan tư vấn cơ sở hạ tầng của chính phủ đã cảnh báo rằng việc khắc phục rò rỉ sẽ không đủ để chống hạn hán cho đất nước khi khí hậu thay đổi.

Ủy ban Cơ sở hạ tầng Quốc gia Anh (NIC) đã ước tính rằng. sẽ cần thêm 3.500 triệu đến 4.000 triệu lít nước mỗi ngày vào năm 2050, con số này cũng tính đến tham số dân số ngày càng tăng.

NIC đã kêu gọi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết tình trạng khan hiếm nước, bao gồm giảm nhu cầu và tăng nguồn cung, chuyển nước từ vùng ẩm ướt hơn sang vùng khô hạn hơn và sử dụng đồng hồ nước hiệu quả hơn.

Vào năm 2018, NIC đã cảnh báo rằng, nếu không có thêm hành động nào thì trong vòng 30 năm tới một số lượng lớn các hộ gia đình sẽ bị cắt nguồn cung cấp nước trong một thời gian dài do hạn hán nghiêm trọng.

NIC cũng khuyến nghị thay đổi luật, cho phép triển khai đồng hồ nước thông minh trên toàn quốc, để giúp theo dõi nhu cầu và xác định các vấn đề. Hiện tại chỉ có các công ty ở những vùng khô hạn hơn ở Anh mới được phép thực hiện đo lường bắt buộc.

Chủ tịch của NIC, ông John Armitt cho rằng, việc giảm nhu cầu sử dụng sẽ đảm bảo an ninh nguồn nước nhanh hơn so với việc khắc phục rò rỉ, đồng thời nói thêm rằng “sự miễn cưỡng của chính phủ trong việc cam kết bắt buộc đo đếm nước” đã chứng tỏ sự cần thiết của “một cuộc tranh luận công khai về rủi ro, giải pháp và chi phí”.

Năm ngoái, Ủy ban Biến đổi Khí hậu, một cơ quan tư vấn của chính phủ Anh, đã kêu gọi Chính phủ Anh thiết lập mục tiêu giảm sử dụng nước cho hộ gia đình và doanh nghiệp.

Mặc dù Chính phủ Anh đã nói rằng, nước này muốn mức tiêu thụ nước giảm xuống 110 lít mỗi người mỗi ngày vào năm 2050, từ khoảng 142 lít so với hiện nay, nhưng mục tiêu này không ràng buộc về mặt pháp lý và không bao gồm các doanh nghiệp, vốn chiếm hơn một phần tư nhu cầu cấp nước công cộng.

Ông Philip Dunne, chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Môi trường của Hạ viện Anh, đã ủng hộ lời kêu gọi của NIC về cách tiếp cận “toàn diện hơn” để giúp xác định các lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Chính phủ Anh cho biết, bảo vệ tài nguyên nước là “ưu tiên hàng đầu” và nước này đang thúc đẩy các công ty cấp nước phát triển nguồn cung cấp nước mới “cũng như thực hiện hành động để đảm bảo khả năng phục hồi bao gồm đầu tư vào các hồ chứa mới”.

Water UK cho biết, các doanh nghiệp thành viên của họ đang “ngày càng sử dụng các giải pháp sáng tạo, chẳng hạn như máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo, để tìm và khắc phục rò rỉ càng sớm càng tốt,” nhưng đồng ý rằng việc khắc phục rò rỉ chỉ là “một phần của giải pháp”./.

Vân Hải/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguy-co-han-han-vao-mua-he-van-hien-huu-o-anh/276575.html