Nguy cơ khan hiếm nước ngọt trên toàn cầu

Các dòng sông được coi là 'mạch sống' của Trái Đất, là nguồn cung cấp nước ngọt, thức ăn, phù sa, năng lượng ... cho con người. Ước tính khoảng 1/3 sản lượng lương thực và 40% lượng cá tiêu thụ trên toàn cầu phụ thuộc vào sông ngòi. Một báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) - cơ quan khí tượng của Liên hợp quốc mới đây cho biết năm 2023 là năm khô hạn kỷ lục của các con sông trên thế giới trong hơn 3 thập kỷ qua.

Nguyên nhân là do nắng nóng gay gắt kéo dài làm giảm lưu lượng dòng chảy của các con sông, đặc biệt ở khu vực Châu Mỹ. Tình trạng này kéo dài gây nguy hiểm cho nguồn cung nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp và công nghiệp khi nhu cầu về nước ngày càng gia tăng trên thế giới.

Các dòng sông trên thế giới khô hạn kỷ lục

Báo cáo Tình trạng Tài nguyên Nước Toàn cầu của tổ chức khí tượng thế giới WMO dựa trên dữ liệu nghiên cứu trong 33 năm qua. Theo báo cáo này, trong vòng 5 năm qua, mực nước sông trên toàn cầu đã thấp hơn mức trung bình và các hồ chứa cũng ở mức thấp.

Năm 2023, hơn 50% diện tích lưu vực sông trên toàn cầu có tình trạng bất thường, trong đó hầu hết đều bị thiếu hụt nước. Điều này tương tự vào năm 2022 và 2021. Các khu vực phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng và lưu lượng sông thấp bao gồm các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Bắc, Trung và Nam Mỹ.

Ở phía bên kia địa cầu, tại châu Á và châu Đại Dương, các lưu vực sông Hằng, sông Brahmaputra và sông Mê Kông trải qua điều kiện mực nước thấp hơn bình thường trên hầu hết toàn bộ lưu vực.

Báo cáo của WMO cho thấy mức nhiệt kỷ lục năm ngoái cũng gây ra tổn thất lớn nhất cho các sông băng trên thế giới trong vòng 50 năm qua. Nhìn chung, các sông băng đã mất 600 tỷ tấn nước trong một năm băng tan cực độ.

Bà Celeste Saulo, Tổng Thư ký WMO cảnh báo rằng chu trình nước đang trở nên thất thường hơn do biến đổi khí hậu và kêu gọi tăng cường giám sát thủy văn để theo dõi và ứng phó với những thay đổi về nguồn nước.

WMO dự đoán trong năm nay sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm nước hơn ở nhiều nơi trên thế giới, nơi các kỷ lục mới về nhiệt độ đã được báo cáo. Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy khoảng 3,6 tỷ người hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ít nhất 1tháng/ năm và con số này dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ người vào năm 2050.

Sự biến đổi khí hậu dường như đang thay đổi dòng nước, góp phần gây ra lũ lụt tàn khốc ở một số nơi và hạn hán nghiêm trọng ở những nơi khác. Nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với Bão lũ như một số quốc gia châu Âu và Châu Mỹ.

Sông Amazon ở Nam Mỹ là một trong những con con sông dài nhất và có lưu lượng nước nhiều nhất thế giới, chiếm khoảng 20% tổng lưu lượng nước ngọt cung cấp cho các đại dương. Nhưng những năm gần đây dòng sông trong rừng nhiệt đới Amazon đã bị ảnh hưởng nặng nề do đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ những năm 1950.

Dòng sông khô hạn kỷ lục

Dòng sông khô hạn kỷ lục

Theo Cơ quan Giám sát Thảm họa Quốc gia Cemaden, Brazil, sông Negro - một trong những nhánh chính của sông Amazon đã đạt mực nước thấp nhất từng được ghi nhận trong vòng 122 năm qua.

Hạn hán nghiêm trọng đã làm cạn kiệt nước trên các tuyến đường thủy vốn là huyết mạch lưu thông trong khu vực, cản trở việc vận chuyển ngũ cốc xuất khẩu cũng như gián đoạn nguồn cung các loại hàng hóa và vật tư thiết yếu.

Sông Amazon khô hạn kỷ lục

Sông Negro là một nhánh chính của sông Amazon, chiếm khoảng 10% lưu lượng nước của sông mẹ. Mực nước của sông Negro tại cảng Manaus là 12,66 mét vào hôm 4 tháng 10 vừa qua, thấp hơn cả mức thấp kỷ lục được ghi nhận vào cuối tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó mức nước bình thường của dòng sông này là khoảng 21 mét. Tình trạng khô hạn ảnh hưởng nghiêm trọng tới Manaus, thủ phủ của bang Amazonas lớn nhất ở Brazil. Thành phố này nằm ở vị trí nơi sông Rio Negro hòa vào sông Amazon.

Mực nước sông Negro, con đường chính dẫn vào thành phố Manaus thấp kỷ lục đã ảnh hưởng đến hoạt động của cảng sông.

Ông Valmir Mendonca, người đứng đầu hoạt động của cảng Manaus, tuyến vận tải huyết mạch của khu vực cho biết hoạt động của cảng biển dự kiến bị đình trệ kéo dài gây cản trở cho việc vận chuyển xuất khẩu ngũ cốc và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực.

Hạn hán khắc nghiệt cũng đã gây thiệt hại cho nhiều tuyến đường thủy khác như Tefe, Coari, Manacapuru và Madeira

Vào tháng trước, hiệp hội cảng sông đã thông báo các chuyến tàu chở hàng ngũ cốc đã bị tạm dừng trên sông Madeira, một nhánh khác của Amazon, do mực nước quá thấp.

Hạn hán cũng làm ảnh hưởng đến các nhà máy thủy điện, nguồn cung cấp điện chính của Brazil. Các cơ quan năng lượng đã buộc phải đề xuất việc áp dụng trở lại quy định giảm thời gian chiếu sáng vào ban ngày để tiết kiệm năng lượng điện tiêu thụ. Tuy nhiên biện pháp này vẫn cần có sự chấp thuận của Tổng thống.

Theo dự báo của Cơ quan Cơ quan Giám sát Thảm họa Quốc gia Cemaden của Brazil, mực nước sông Negro có thể giảm hơn nữa trong những tuần tới do lượng mưa dự kiến sẽ thấp ở khu vực thượng nguồn. Ông Andre Martinelli, người đứng đầu cơ quan thủy văn Manaus ước tính tình trạng suy thoái của dòng sông sẽ tiếp tục cho đến cuối tháng 10.

Năm ngoái, hạn hán đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với những người dân sống hoàn toàn dựa vào tuyến đường thủy trên sông. Họ bị mắc kẹt mà không có thức ăn, nước uống hoặc thuốc men. Năm nay tình trạng này lặp lại lần nữa và còn nghiêm trọng hơn. Mực nước con sông này tiếp tục suy giảm khiến ông Francisco Mateus da Silva, 67 tuổi và những người sống ở Sao Francisco Do Maina, thuộc Manaus không còn sự lựa chọn nào ngoài việc đi bộ hàng giờ qua các bãi cát và lòng sông khô cạn để lấy thức ăn và nước uống.

Nhiều ngôi làng đã bị cô lập, không có phương tiện tàu thuyền nào có thể thể đi lại vì nước quá nông. Người dân đang mong mỏi sớm được cung cấp thực phẩm và quan trọng hơn là nước uống. Đợt hạn hán tồi tệ nhất trên sông Amazon khiến các ngư dân như anh Jonas Lima Oliveira vô cùng lo lắng cho tương lai vì họ đang mất dần kế sinh nhai.

Bang Amazonas của Brazil có 62 đô thị bị tổn thất nặng nề vì hạn hán khiến nửa triệu người dân bị ảnh hưởng. Bang Acre lân cận nhỏ hơn với 21 khu đô thị trong tình trạng tương tự. Gần 300 thành phố tại Nam Mỹ ở mức nghiêm trọng hoặc cực đoan.

Cơ quan giám sát thảm họa quốc gia Camaden đã gọi đợt hạn hán này là sự kiện tồi tệ nhất ở Brazil kể từ những năm 1950.

Trong khi đó mực nước sông Paraguay cũng ở mức thấp nhất mọi thời đại. Con sông này khởi nguồn từ Brazil và chảy qua Paraguay và Argentina đến Đại Tây Dương.

Hạn hán cũng đã làm giảm tới 90% mực nước sông Amazon ở Colombia trong hơn 3 tháng qua.

Lượng mưa dưới mức trung bình ngay cả trong mùa mưa đã tàn phá Amazon và phần lớn Nam Mỹ kể từ năm ngoái, đồng thời gây ra những vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ ở Brazil và Bolivia.

Tình trạng này có vẻ sẽ lặp lại hoặc đạt đến những mức độ cực đoan mới trong những năm tiếp theo. Các nhà nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu là thủ phạm chính, đồng thời dự đoán khu vực Amazon khó có thể hồi hoàn toàn nguồn nước cho đến năm 2026.

700 triệu người - tương đương 9% dân số thế giới - không được tiếp cận với nước uống. Tỷ lệ này lớn gấp đôi so với 20 năm trước. Những con số này cho thấy nguy cơ thiếu nước ngọt đang không ngừng gia tăng.

Nguồn nước cạn kiệt không chỉ do biến đổi khí hậu mà một phần nguyên nhân là do tác động của con người. Những nguồn nước ngọt trên hành tinh bị đe dọa bởi chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt của con người. Nhiều chính phủ, tổ chức bảo vệ môi trường đã phát động các chiến dịch làm sạch nguồn nước nhằm cải thiện tình hình.

Các tình nguyện viên và các quanh chức thành phố Oruro của Bolavia đã tham gia chiến dịch làm sạch bờ hồ Uru Uru, nơi sinh sống của loài hồng hạc và là điểm dừng chân quan trọng của các loài chim di cư.

Vào năm 2021, một phần lớn diện tích hồ bị rác thải bao phủ. Phần lớn là rác nhựa từ thành phố Oruro. Ngoài ra còn có ô nhiễm từ nước chảy ra từ các mỏ khai thác quặng gần đó vì thị trấn Oruro là một trung tâm khai thác công nghiệp. Hồ bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng như cadmium, kẽm và asen.

Theo các quan chức thành phố, hồ bị ô nhiễm trầm tích khoáng sản và rác thải, và kể từ năm 2021, hoạt động dọn dẹp hàng năm đã giúp cải tạo khoảng 19 ha từng bị rác bao phủ.

Sông Amazon khô hạn kỷ lục

Sông Amazon khô hạn kỷ lục

Trong khi đó tại Chile, chất thải hữu cơ đang trở thành cứu cánh cho người chăn nuôi trong bối cảnh đất nước này đối mặt với khủng hoảng thiếu nước. Nguồn nước khan hiếm, các bãi chăn thả bị thu hẹp, cắt đứt nguồn thức ăn của gia súc.

Tổ chức phi lợi nhuận Foundation Realim đã tiến hành thu gom rác thải thực phẩm từ các khu chợ ở thủ đô Santiago và tái sử dụng chúng thành thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ các gia đình có sinh kế phụ thuộc vào nghề nuôi gia súc.

Chủ tịch quỹ, Cristobal Merino, cho biết họ đã chuyển đổi thành công hơn 800 tấn chất thải hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi. Được hỗ trợ bởi mạng lưới 600 tình nguyện viên, tổ chức này thu thập khoảng 10 tấn rác thải từ chợ thực phẩm hàng tuần.

Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực kích thích nền kinh tế tuần hoàn, giúp giảm lượng rác thải ra môi trường và các nguồn nước, cải thiện điều kiện kinh tế của các gia đình bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Chile hiện đang phải hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng làm cạn kiệt nguồn cung cấp nước trong nhiều năm và làm gián đoạn các ngành công nghiệp địa phương, bao gồm khai thác mỏ, nông nghiệp và nuôi ong.

Hành tinh của chúng ta có tổng cộng gần 12.600 lưu vực sông và khoảng 1/3 trong tổng số lưu vực này đang trong tình trạng suy giảm dòng chảy cao gấp 5 lần so với con số thống kê cách đây 15 năm.

Xây dựng đập, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và khai thác đất quá mức là thủ phạm chính gây suy thoái nguồn nước ngọt trên quy mô toàn cầu. Gần đây các quốc gia Thành viên Liên Hợp Quốc đã cam kết quản lý nguồn nước bền vững để đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận với nước và vệ sinh vào năm 2030. Tuy nhiên nếu không có những hành động nhằm hạn chế biến đổi khí hậu thì mục tiêu này dường như rất khó đạt được.

Minh Nguyệt

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nguy-co-khan-hiem-nuoc-ngot-tren-toan-cau-272661.htm