Nguy cơ khi tự cải tạo đường ống dẫn nước

Nhếch nhác, tạm bợ là ấn tượng đầu tiên của nhiều người khi đến các khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố. Nhà E4 tập thể Trường đại học Y Hà Nội, phường Trung Tự (quận Đống Đa) là một điển hình. Đứng từ sân khu tập thể nhìn lên là những bó ống nước san sát nhau kéo từ tầng 1 lên tầng 5. Ngay lối vào cầu thang tầng 1 khu tập thể là hàng chục đồng hồ đo nước bị rác, đất, gạch đè lên, nhiều đồng hồ hoen gỉ, mất nắp. Bà Nguyễn Thị An, tổ dân phố 52, nhà E4 cho biết: Chúng tôi tự đấu nối đường ống để dẫn nước vào bồn i-nốc đặt tại tầng 5, sau đó mới dẫn nước về căn hộ. Do nhu cầu cấp thiết cho nên mạnh nhà nào nhà đấy làm... Thực tế cho thấy, nguồn cung cấp điện cho máy bơm được đấu nối qua đường điện sinh hoạt, không cầu chì, cầu giao và ống bảo vệ. Lâu ngày, những ống nhựa dẫn nước bạc mầu, nứt, gãy, nước chảy lênh láng ra nền đất, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy.

Tại nhà tập thể D1 Khương Thượng, nhà B4 Nam Thành Công ( quận Đống Đa), tình trạng cũng không mấy khả quan hơn khi nhiều hộ dân lắp chằng chịt các đường ống để hút nước từ bể nước chung dưới sân lên các bồn nước riêng trên nóc sân thượng rồi dẫn vào từng căn hộ. Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân ở khu tập thể Nam Thành Công chia sẻ: Mặc dù biết lắp đặt, đấu nối hệ thống nước mà không có thiết kế, quy hoạch thì mất an toàn, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác!

Hà Nội hiện có 1.579 khu tập thể cũ, xây dựng cách đây hàng chục năm, đến nay đã bị xuống cấp và hư hỏng. Theo quy định, việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng nhà ở thực hiện theo nguyên tắc, các chủ sở hữu căn hộ chịu trách nhiệm tự bảo trì phần diện tích nhà thuộc sở hữu riêng và thỏa thuận đóng góp kinh phí bảo trì phần diện tích sở hữu, sử dụng chung theo nguyên tắc phân bổ kinh phí tương ứng với diện tích sở hữu riêng của từng hộ. Về nguồn gốc, các khu tập thể cũ đều do Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, sau khi công ty đã bán hết 100% số nhà ở theo quy định thì việc quản lý được bàn giao về các quận, huyện. Hiện có 1.041 khu tập thể cũ tại ba quận Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên đã bàn giao cho chính quyền quản lý; trong quý IV- 2019, các khu tập thể cũ ở quận Hai Bà Trưng cũng sẽ được bàn giao về cho quận này. Sau khi tiếp nhận, các quận giao UBND phường và phòng, ban chuyên môn quản lý. Còn hơn 500 khu tập thể cũ còn lại do công ty quản lý. Tuy nhiên, tại Quyết định 17/2018/QĐ-UBND ngày 6-8-2018 của UBND thành phố quy định chi tiết về quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố, công ty có trách nhiệm sửa chữa những hỏng hóc, bong tróc bề mặt ngoài của các khu nhà; không quản lý phần đấu nối đường nước hay đường điện tới các hộ dân. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội cũng cho biết, theo quy định, công ty chỉ khớp nối hạ tầng, lắp đặt điểm đấu nối và đồng hồ tổng đến chân tòa nhà. Hệ thống cấp nước phía sau đồng hồ tổng sẽ do chủ sở hữu nhà ở chịu trách nhiệm quản lý vận hành và bảo trì.

Với thực tế quản lý nêu trên, việc hình thành hệ thống đường ống nước tự tạo của các hộ dân ở những khu tập thể cũ là điều khó tránh khỏi. Vì thế, trong khi chờ Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội có đồ án quy hoạch, xây dựng lại các khu chung cư cũ, việc cần làm ngay là chính quyền các địa phương phải rà soát, có phương án lắp đặt lại hệ thống đường nước cho đồng bộ. Đồng thời, nên có những quy định tạm thời để bảo đảm việc lắp đặt hệ thống đường nước này được kiểm soát, thống nhất đầu mối quản lý, tránh tình trạng tự phát như hiện nay. Trước mắt, cần yêu cầu các hộ dân tại các khu tập thể thay thế ngay những đường ống đã hỏng, xuống cấp, bó gọn đường dẫn nước, lắp đặt và vận hành máy bơm an toàn để bảo đảm an toàn cho chính gia đình mình và cộng đồng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42397902-nguy-co-khi-tu-cai-tao-duong-ong-dan-nuoc.html