Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Nga đã quyết định không gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, văn bản được ký kết với sự trung gian của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc trong thời gian xung đột Nga - Ukraine. Viễn cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu một lần nữa lại gần hơn bao giờ hết.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị ngưng trệ khiến tình trạng thiếu lương thực ở châu Phi trầm trọng thêm

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị ngưng trệ khiến tình trạng thiếu lương thực ở châu Phi trầm trọng thêm

“Phao cứu sinh” cho an ninh lương thực toàn cầu

Hôm 16-7, chuyến tàu cuối cùng nằm trong Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã rời cảng Odessa (Ukraine), ngay trước khi thỏa thuận này hết hạn vào cuối ngày 17-7. Nga và Ukraine là hai trong số các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Biển Đen đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng này khi có đến 90% số lương thực Ukraine bán ra nước ngoài được xuất qua đường biển này. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng 2-2022 đã khiến các cảng của Ukraine bị phong tỏa, việc xuất khẩu hàng hóa, trong đó có ngũ cốc, bị đình trệ. Theo con số thống kê, số hàng hóa được xuất qua Biển Đen trong tháng 1-2022 là 7,3 triệu tấn. Đây chính là mốc ngay trước khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine bắt đầu vào ngày 24-2-2022. Tuy nhiên, hiện nay số hàng hóa xuất cảng ở Biển Đen đã giảm xuống chưa tới 2 triệu tấn mỗi tháng.

Dưới sự trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 7-2022, Nga và Ukraine ký Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm thiết lập một hành lang nhân đạo đảm bảo an toàn cho các tàu vận chuyển lương thực từ Ukraine đi qua Biển Đen, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine. Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã 3 lần được gia hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 17-7.

Kể từ khi được ký kết đến nay, Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã đảm bảo việc xuất khẩu của 32 triệu tấn ngũ cốc đến 45 quốc gia thuộc 3 châu lục. Không có thỏa thuận này, việc xuất khẩu lương thực của Ukraine rất khó khăn vì vận chuyển bằng đường tàu hỏa chỉ được 1 triệu tấn lương thực mỗi tháng, một con số rất khiêm tốn. Thêm vào đó, việc hạ tầng đường sắt của Ukraine không tương thích với các nước xung quanh như Ba Lan và Romania cũng làm chậm đáng kể quá trình vận chuyển. Trong khi đó, chi phí vận tải nông sản trên bộ rơi vào khoảng 100 USD/tấn, hơn gấp đôi vận tải đường biển. Chính vì thế, Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được coi là “phao cứu sinh” cho an ninh lương thực toàn cầu. Không những thế, nhiều nước phương Tây được hưởng lợi rất nhiều từ thỏa thuận này. Theo Báo New York Times (Mỹ), có đến 90% ngô và 60% lúa mì Ukraine xuất khẩu qua Biển Đen đến các nước có thu nhập cao hoặc trung bình.

Tuy nhiên, chiếc phao này đã bị dỡ bỏ sau quyết định của Nga bởi Mátxcơva cho rằng, những điều khoản liên quan đến Nga trong thỏa thuận ngũ cốc đã không được thực hiện. Trong khuôn khổ thỏa thuận này, Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới trong thời gian 3 năm. Nhưng trên thực tế, Nga đã nhiều lần phải yêu cầu tháo gỡ những trở ngại chính với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, cụ thể là kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT để Nga có thể thực hiện các thủ tục mua bán. Các yêu cầu khác bao gồm nối lại việc cung ứng máy móc và phụ tùng máy móc nông nghiệp, dỡ bỏ các hạn chế với bảo hiểm và tái bảo hiểm, tiếp cận các cảng, nối lại đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odesa và ngừng phong tỏa tài sản cũng như tài khoản của các công ty Nga liên quan đến thực phẩm và xuất khẩu phân bón.

Nguy cơ hàng triệu người sẽ thiếu lương thực

Ngay sau khi Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, giá lúa mì, bắp (ngô) và đậu nành đều tăng. Cụ thể, ngày 17-7, giá lúa mì tăng 3%, lên mức cao nhất kể từ tháng 6-2023. Mức giá này bằng nửa mức giá của tháng 5-2022. Nếu tính chung cả năm 2022, mặc dù giá lương thực trên toàn thế giới đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp cho đến tháng 12-2022, song chỉ số giá lương thực toàn cầu vẫn ở mức cao 143,7 điểm.

Từ trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, sự cân bằng về nguồn cung và nhu cầu lương thực đã rất mong manh. Từ năm 2000 đến nay, thế giới đã phải chứng kiến 11 lần tiêu thụ lúa mì hàng năm vượt quá sản lượng thu hoạch. Không chỉ do xung đột Nga - Ukraine, quyết định của Ấn Độ, vốn có một vụ thu hoạch khá tốt, nhằm giữ lại một phần sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng làm gia tăng căng thẳng trên thị trường. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến thu hoạch ngũ cốc. Các hiện tượng như El Nino và La Nina, thể hiện sự biến động dị thường trong hệ thống khí quyển - đại dương xảy ra ở vùng xích đạo Thái Bình Dương, đã có những tác động nhất định đến chế độ gió, nhiệt độ nước biển, lượng mưa và do đó cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, hiện có khoảng 770 triệu người, tức gần 10% dân số thế giới bị đói và hơn 3 tỷ người không có khả năng để có một chế độ ăn uống lành mạnh. Cuối năm ngoái, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết có 48 quốc gia trên thế giới phải đối mặt với khủng hoảng lương thực. Trong số đó, 10-20 quốc gia phải yêu cầu viện trợ khẩn cấp và phần lớn thuộc khu vực tiểu Sahara ở châu Phi. Còn theo Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực 2023 của Tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ, khoảng 258 triệu người cần viện trợ lương thực khẩn cấp vào năm ngoái, tăng từ 193 triệu người vào năm trước.

Nhìn tổng quan toàn cầu về tình trạng suy dinh dưỡng, có thể thấy những khu vực có mức độ mất an ninh lương thực cấp tính cao cũng có xu hướng có tỷ lệ trẻ em thiếu dinh dưỡng cao. Hơn 53 triệu người dân đã phải di dời trong nước tại 25 quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lương thực. Hơn 19 triệu người trên thế giới đã trở thành người tị nạn hoặc người xin tị nạn tại 55 quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lương thực. Nhìn xa hơn, đến năm 2050, dự kiến thế giới sẽ có 10 tỷ dân và đây sẽ là một thách thức chưa từng có nếu không có những nỗ lực đáng kể để đảo ngược xu hướng hiện tại.

Trong bối cảnh đó, quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc của Nga chắc chắn sẽ làm cho tình hình lương thực toàn cầu phức tạp hơn. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ hàng triệu người sẽ thiếu lương thực trong thời gian tới. Ông cho biết, LHQ sẽ tiếp tục nỗ lực để hàng nông sản và phân bón của Ukraine cùng Nga có thể tiếp cận các thị trường “mà không bị cản trở”. Áo, Hà Lan, Đức đã lên tiếng hối thúc Nga duy trì thỏa thuận ngũ cốc bởi nó có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát giá lương thực và tránh gây bất ổn cho thị trường, giúp bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Ngày 17-7, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cho biết, nước này và các đối tác quốc tế đang nỗ lực tìm “các giải pháp thay thế” sau khi Nga quyết định không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Về phía Nga, Bộ Ngoại giao Nga cho hay, Mátxcơva sẵn sàng xem xét quay lại thỏa thuận nếu “thấy những kết quả chắc chắn, thay vì những lời hứa hẹn”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguy-co-khung-hoang-luong-thuc-toan-cau-post546228.antd