Nguy cơ khủng hoảng tiêu dùng tại nước Mỹ
Tại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng đóng góp khoảng 2/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ trước đến nay, dường như không có điều gì có thể ngăn cản được người tiêu dùng Mỹ.
Họ đã “vung” số tiền tiết kiệm trong giai đoạn dịch COVID-19 để mua xe đạp tập thể dục tại nhà và các khoản mua sắm khác. Giờ đây, họ đang chuẩn bị chi nhiều tiền cho các kỳ nghỉ Hè bên bờ biển.
Hồi mùa Hè năm ngoái, các giám đốc ngân hàng hàng đầu đã đưa ra dự đoán rằng tỷ lệ lạm phát cũng như lãi suất cao sẽ kiềm chế khả năng chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ. Tuy nhiên, trái ngược với những dự báo này, chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ đã tạo động lực tăng mạnh mẽ hơn bao giờ hết cho Tổng sản sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, với tốc độ vượt xa các nước khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Mặc dù vậy, điều khiến giới chuyên gia kinh tế trăn trở hiện nay là liệu có phần nào trong dự đoán của các lãnh đạo ngân hàng Mỹ sẽ trở thành hiện thực và ảnh hưởng trầm trọng hơn là liệu nền kinh tế này có đối mặt một cuộc khủng hoảng tiêu dùng hay không?
Số liệu điều chỉnh công bố ngày 18/6 cho hay doanh số bán lẻ danh nghĩa (chưa điều chỉnh theo lạm phát) của Mỹ tăng nhẹ 0,1% trong tháng 5/2024, sau khi giảm 0,2% trong tháng Tư; doanh số bán lẻ thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) tăng 0,1% trong tháng 5/2024, so với mức giảm 0,5% trong tháng 4/2024.
Kết quả doanh số bán lẻ thực tế giữ vai trò quan trọng trong việc thể hiện tỷ trọng chi tiêu tiêu dùng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mặc dù số liệu trên cho thấy tình hình chi tiêu tiêu dùng trong tháng Năm có sự cải thiện đôi chút so với tháng Tư, song nhìn chung các số liệu kinh tế từ đầu năm cho thấy doanh số bán lẻ yếu dần.
Ngay cả các thương hiệu tên tuổi từ hãng đồ ăn nhanh McDonald's, nhà cung cấp bánh mì kẹp thịt, đến 3M, nhà sản xuất băng dính, đều lưu ý rằng khách hàng đang đóng hầu bao. Trong bối cảnh này, chi nhánh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Atlanta hạ dự báo tăng trưởng GDP hàng năm đi gần 1 điểm phần trăm.
Sự sụt giảm về sức chi tiêu tiêu dùng Mỹ tạo tác động đáng kể. Và điều này được thể hiện một cách rõ ràng nhất thông qua số liệu về thẻ tín dụng.
Theo chi nhánh Fed tại San Francisco, các hộ gia đình đã "đốt" hết khoản tiền tiết kiệm dư thừa 2,1 triệu USD cuối cùng trong thời kỳ đại dịch trong tháng Ba.
Việc rút tiền để chi tiêu này đã khiến cho ngày càng nhiều người dân Mỹ phải dựa vào thẻ tín dụng để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của mình và một số người hiện đang phải vật lộn để trả nợ.
Chuyên gia Paul Siegfried thuộc TransUnion, một cơ quan tín dụng, ước tính rằng kể từ tháng Tư năm ngoái, 440.000 chủ thẻ tín dụng đã bị hạ cấp độ thẻ xuống trạng thái dưới chuẩn. Các tài khoản đang rơi vào tình trạng chậm hoàn trả tiền vay chưa từng có kể từ năm 2011.
Những người đã vay tiền để mua ô tô đều đang bị chậm thời gian trả nợ, thậm chí một số người phải bán xe. Theo Kelley Blue Book, một nền tảng bán hàng, danh sách ô tô đã qua sử dụng đã tăng 6% trong tháng Năm so với một năm trước đó.
Thành phố Florida là điển hình của các vấn đề kinh tế Mỹ. Đây là bang có nhiều người lao động thu nhập thấp và có tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất theo báo cáo phân tích mới của chi nhánh tại New York của Fed. Theo công ty tài chính cá nhân WalletHub, người dân tại bang này cũng chậm thanh toán tiền chi tiêu qua thẻ tín dụng hơn so với bất kỳ thành phố nào khác ở nước này.
Tuy nhiên, một số người vẫn rất lạc quan về nền kinh tế Mỹ xét về tổng thể. Eric Wallerstein của Yardeni Research, một công ty tư vấn, nhìn nhận tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng là một sự trở lại trạng thái bình thường, chứ không phải là điềm báo về điều tồi tệ hơn sắp xảy ra. Đúng là lãi suất cao hơn có nghĩa là những chủ thẻ tín dụng nghèo có nhiều khả năng bị chậm trả nợ.
Thêm vào đó, mức lãi suất 5,25-5,5% của Fed hiện cao hơn gấp đôi so với năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ quá hạn vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2007 - lần gần nhất lãi suất cao tương tự như hiện nay - và kể cả so với giai đoạn năm 1991-2011.
Dẫu vậy, rất nhiều người Mỹ vẫn chi tiêu khá thoải mái. Những người chi tiêu nhiều với thu nhập cao - thường là người tiêu dùng sinh sống ở khu vực South Beach của Miami hơn là ở Little Havana - có thể dễ dàng trả các khoản nợ thẻ tín dụng.
Bất chấp lãi suất tăng, tổng chi phí trả nợ mua nhà vẫn ở mức thấp vì nhiều người mua nhà trả góp theo hình thức nợ vay dài hạn với lãi suất thấp hơn trước đó.
Nói chung, một phần ba số nợ thế chấp đã được thực hiện trong giai đoạn 2020-21, do người đi vay tận dụng lãi suất thấp. Các hộ gia đình Mỹ đang chi một phần thu nhập nhỏ hơn để trả nợ hơn bất kỳ thời điểm nào trong những năm 2010.
Những người sở hữu nhà và cổ phiếu cũng đang được hưởng lợi từ giá tài sản tăng cao cũng như thu nhập từ tiền thuê nhà và cổ tức đi kèm. Chẳng hạn, chỉ số S&P 500 của các công ty lớn của Mỹ đã tăng 12% trong năm nay.
Điều quan trọng đối với nền kinh tế tổng thể là có bao nhiêu người tiêu dùng cuối cùng phải vật lộn để kiếm sống.
Thu nhập tăng cao, cùng với tiền tiết kiệm sau đại dịch, là những yếu tố đã thúc đẩy chi tiêu gia tăng mạnh tại Mỹ. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiết kiệm thấp, việc tiếp tục chi tiêu sẽ phải được thúc đẩy bởi thu nhập cao hơn nữa.
Tình hình việc làm vẫn khả quan và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu không tăng. Mặc dù trong tháng Tư, mức tăng lương danh nghĩa hàng tháng đã giảm xuống, song dữ liệu gần đây cũng cho thấy lạm phát có thể đã giảm trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy thu nhập thực tế tăng lên. Dẫu vậy, tình hình lạm phát cải thiện có thể phần nào giúp nước Mỹ tránh được cuộc khủng hoảng tiêu dùng.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguy-co-khung-hoang-tieu-dung-tai-nuoc-my/338466.html