Nguy cơ khủng hoảng y tế toàn cầu gia tăng sau quyết định giải thể USAid
Ngày 20/2, theo tờ The Guardian, việc giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAid) và đình chỉ tài trợ cho các chương trình y tế công cộng toàn cầu đang làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch mpox, căn bệnh trước đây được gọi là đậu mùa khỉ.

Biển báo của tổ chức USAID tại làng al-Badhan, phía bắc Nablus, Bờ Tây. Ảnh: AFP/TTXVN
Các chuyên gia cảnh báo rằng quyết định này có thể khiến dịch bệnh lan rộng và làm trầm trọng thêm nguy cơ khủng hoảng y tế toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố mpox là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào tháng 8 năm ngoái khi số ca bệnh gia tăng tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và lan sang các quốc gia lân cận ở châu Phi. USAid trước đó đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kiểm soát dịch thông qua các chương trình tiêm chủng, xét nghiệm và giám sát y tế, với khoản tài trợ khẩn cấp trị giá 55 triệu USD vào năm 2024. Tuy nhiên, sau khi USAid bị giải thể, phần lớn ngân sách này đã bị đóng băng, khiến các khu vực phụ thuộc vào nguồn viện trợ này rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Việc rút USAid khỏi DRC không chỉ ảnh hưởng đến các chương trình chống mpox mà còn làm gián đoạn công tác kiểm soát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như Ebola và Marburg. Các chuyên gia y tế nhận định nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lan rộng ra nhiều quốc gia là điều khó tránh khỏi. Một nhân viên USAid cho biết trước đây khi xảy ra khủng hoảng, USAid luôn là đơn vị được kỳ vọng có hành động kịp thời, nhưng hiện nay không còn ai đứng ra điều phối. Việc đóng băng viện trợ đồng nghĩa với việc nhiều tỉnh của DRC - vốn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài trợ này - đã bị tước bỏ mọi nguồn lực để ngăn chặn virus.
Các chuyên gia y tế công cộng tại Mỹ và quốc tế đều bày tỏ lo ngại về tác động của việc chấm dứt USAid đối với hệ thống y tế toàn cầu. Một nhà nghiên cứu chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ cho rằng quyết định này có thể làm tăng nguy cơ dịch mpox hay một đại dịch khác lan sang Mỹ, đồng thời nhấn mạnh việc đóng cửa USAid là một sai lầm lớn, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia nhận viện trợ mà còn đe dọa chính hệ thống y tế của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã ban hành hướng dẫn cho phép phân phối viện trợ nhân đạo khẩn cấp, bao gồm thực phẩm và thuốc men, thông qua một cơ chế miễn trừ. Tuy nhiên, đến nay chưa có quyết định chính thức nào về việc tiếp tục tài trợ cho chương trình phòng chống dịch mpox tại DRC. Trong khi chính quyền Mỹ khẳng định mục tiêu của họ là kiểm soát chi tiêu và ngăn chặn gian lận trong các chương trình viện trợ nước ngoài, nhiều chuyên gia y tế cho rằng việc cắt giảm ngân sách một cách đột ngột mà không có sự đánh giá kỹ lưỡng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Một giáo sư tại Đại học Johns Hopkins cảnh báo rằng nếu không có sự giám sát chuyên môn, những cắt giảm này sẽ làm suy yếu nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và khiến việc phân bổ vaccine, xét nghiệm và các chương trình y tế trở nên thiếu hiệu quả.
Việc đóng cửa USAid hiện vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi tại tòa án liên bang Mỹ. Một thẩm phán đã ra phán quyết yêu cầu tạm thời dừng lệnh đóng băng viện trợ và cho chính phủ thời hạn năm ngày để tuân thủ. Tuy nhiên, các nhân viên cứu trợ lo ngại rằng ngay cả khi viện trợ được khôi phục, quá trình triển khai lại các chương trình y tế cũng sẽ gặp nhiều trở ngại do thiếu nhân sự và cơ sở hạ tầng hỗ trợ.
Những người từng làm việc tại USAid cho rằng giai đoạn vừa qua là thời điểm căng thẳng và bất ổn nhất trong sự nghiệp của họ. Một số nhân viên bị buộc phải rời DRC, để lại tài sản cá nhân và vật nuôi, trong khi nhiều người khác rơi vào tình trạng mất việc làm do các văn phòng USAid tại Washington đóng cửa. Một nhân viên USAid cho biết họ đã trải qua căng thẳng tột độ, mất ngủ vì lo lắng cho các nhân viên và đối tác tại DRC nhưng không thể làm gì để hỗ trợ.
Một số chuyên gia nhận định việc Mỹ rút khỏi WHO cùng với việc chấm dứt hoạt động của USAid sẽ làm suy yếu khả năng ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Một giáo sư tại Đại học Columbia cho rằng khi Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo trong các chương trình y tế quốc tế, nước này không chỉ mất đi cơ hội tiếp cận thông tin quan trọng mà còn khiến hệ thống y tế của chính mình gặp nhiều rủi ro hơn. Theo ông, việc cắt giảm các chương trình phòng chống dịch bệnh trong khi thế giới vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch mới là một quyết định mang tính rủi ro cao, có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.