Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái đang rất gần
Khảo sát mới đây do báo The Economist phối hợp với hãng nghiên cứu thị trường YouGov cho thấy, có tới 51% người được hỏi cho rằng nước Mỹ đang trải qua thời kỳ suy thoái về kinh tế.
Elon Musk, tỷ phú công nghệ đình đám của hãng Tesla, mới đây đã hé lộ ý định sẽ ngừng tuyển dụng và cắt giảm nhân sự trong công ty của mình để đối phó với tình hình kinh tế đang biến chuyển theo chiều hướng trì trệ.
Khi một trong những người giàu nhất thế giới nhận thấy nền kinh tế đang không ổn và phải đưa ra giải pháp đối phó thì thật không khó để từng người dân Mỹ nhận ra rằng giá cả các mặt hàng thiết yếu mà họ tiêu dùng hằng ngày đang tăng vọt và nỗi lo của họ về nước Mỹ rơi vào thời kỳ suy thoái là có thật.
Nỗi lo suy thoái
Khảo sát mới đây do báo The Economist phối hợp với hãng nghiên cứu thị trường YouGov cho thấy có tới 51% người được hỏi cho rằng nước Mỹ đang trải qua thời kỳ suy thoái về kinh tế và chỉ có 21% người được hỏi cho biết họ không tin điều đó sắp xảy ra.
Nỗi lo suy thoái không phải là không có cơ sở khi nhìn vào những biến động khó lường trên thị trường do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra. Đó là chưa kể tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua.
Ngày 7/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Ellen đã công khai thừa nhận tình trạng lạm phát của nước Mỹ sẽ chưa thể sớm dừng lại.
Trước đó, một cuộc thăm dò ý kiến của giới chuyên gia kinh tế do hãng Bloomberg tiến hành vào tháng Năm cũng chỉ ra rằng, nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái ngày càng rõ rệt, với khả năng xảy ra là 30%, cao hẳn hơn so với tỷ lệ dự đoán mà Bloomberg đưa ra trước đó 3 tháng.
Tâm lý lo ngại suy thoái kinh tế lan nhanh ở khắp nơi, trên các diễn đàn trực tiếp và trực tuyến, thậm chí hiện hữu vào cả những câu chuyện tán gẫu của người dân khi gặp nhau ở trạm xăng hay siêu thị.
Ai cũng nhận thấy lạm phát đang tăng cao chóng mặt cũng như tác động của lạm phát.
Giá xăng chạm ngưỡng gần 5 USD/1 gallon (tương đương 3,7 lít), trong khi những nguyên nhân khiến giá xăng tăng mạnh là cuộc xung đột Nga-Ukraine lại chưa có hồi kết và đại dịch Covid-19 vẫn kéo dài dai dẳng.
Tất cả những yếu tố trên dường như khiến cả nước Mỹ tin rằng suy thoái đang đến rất gần.
Tuy nhiên, chính tâm lý này đã khiến ít người nhận ra rằng kinh tế Mỹ hiện tại cũng đang có rất nhiều tín hiệu tích cực. Đó là tỷ lệ thất nghiệp thấp, thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ tuyển dụng cao gần tới mức kỷ lục, doanh nghiệp kinh doanh vẫn báo cáo lãi dù thấp hơn, thị trường chứng khoán dù có chững lại một chút, nhưng các nhà đầu tư giờ đây vẫn giàu hơn nhiều so với cách đây 5 hay 10 năm.
Những tín hiệu tích cực
Theo Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ, cơ quan có thẩm quyền đưa ra tuyên bố về suy thoái kinh tế, suy thoái là sự suy giảm đáng kể các hoạt động kinh tế trên toàn nước Mỹ và kéo dài trong hơn vài tháng. Một trong những chỉ số chủ chốt quyết định một nền kinh tế có suy thoái hay không là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - tức là tổng lượng hàng hóa dịch vụ sản xuất tại Mỹ, có điều chỉnh theo tình hình lạm phát.
Mô hình GDPNow - một công cụ theo dõi tăng trưởng kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta - chỉ ra rằng, tăng trưởng GDP trong quý II/2022 của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ ở mức 0,9%, thấp hơn đáng kể so với mức 2% vốn được coi là "lành mạnh" và thấp hơn so với dự báo tăng 1,3% đưa ra trước đó.
Trong bối cảnh GDP quý I/2022 đã giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2021 (theo báo cáo cập nhật của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26/5), các chuyên gia cho rằng, kinh tế Mỹ đang rất gần với kịch bản suy thoái. Về mặt lý thuyết, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp.
Tuy nhiên, theo Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ, việc nhận định chính xác khả năng suy thoái của một nền kinh tế cần dựa vào các đánh giá liên quan đến mức độ giảm sút của các hoạt động kinh tế.
Hiện nay, nhiều chỉ số kinh tế của Mỹ vẫn khá tích cực. Tính đến tháng 4/2022, nước Mỹ đã có 12 tháng liên tục ghi nhận tăng trưởng việc làm và chi tiêu dùng cũng tăng trưởng mạnh, ở mức khoảng 2,7% trong quý I/2022.
Nước Mỹ cũng đã tạo thêm được 390.000 việc làm trong tháng 5 vừa qua, khác với các dự báo được đưa ra trước đó. Điều này cho thấy nền kinh tế đang ổn định dần với tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, tiêu dùng cũng cao ở mức kỷ lục cho tới hết tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử nhiều năm.
Chuyên gia kinh tế Daniel Zhao, thuộc công ty việc làm trực tuyến Glassdoor, nhận định rằng, nước Mỹ vẫn đang trong quá trình phục hồi kinh tế.
Ông Lloyd Blankfein, Tổng giám đốc ngân hàng Goldman Sachs, cũng đưa ra đánh giá lạc quan hơn về kinh tế Mỹ sau khi xem xét chỉ số việc làm trong tháng 5. Trước đó, hồi giữa tháng 5, chính ông là người cho rằng nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái là rất lớn.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nước Mỹ hoàn toàn đã tránh được nguy cơ suy thoái, bởi tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn quá cao, ở mức khoảng hơn 8% một năm so với mức tiêu chuẩn mà Fed đặt ra là 2%.
Để kiềm chế giá tăng, Fed đã tăng lãi suất hai lần vào tháng 3 và tháng 5, đồng thời dự kiến điều chỉnh tăng thêm 5 lần nữa trong năm nay. Điều này sẽ hạn chế doanh nghiệp và người dân vay vốn và nhờ đó, có tác động giảm đối với chi tiêu.
Vậy câu hỏi đặt ra là điều gì có thể khiến nước Mỹ rơi vào suy thoái khi mà Fed vẫn đang tích cực tiến hành các biện pháp làm giảm lạm phát? Theo giới chuyên gia, điều quan trọng là các quyết định tăng lãi suất của Fed phải làm sao để ở mức vừa đủ nhằm vừa kiểm soát được lạm phát mà lại không khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố hồi tháng 5 rằng, cơ quan này sẽ thực hiện các chu kỳ tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát và để nền kinh tế thích ứng dần dần, mặc dù đây không phải là điều dễ thực hiện, bởi Fed cũng không thể kiểm soát được toàn bộ các yếu tố ảnh hưởng tới chính sách của mình.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ngày 7/6 cũng tuyên bố ưu tiên số một của Mỹ hiện nay là điều chỉnh giảm tỷ lệ lạm phát.
Các số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ đang phục hồi với tốc độ chậm hơn, bởi các biện pháp tăng lãi suất của Fed khiến tiêu dùng giảm và đầu tư giảm. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhận định, nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế có thể sẽ chưa diễn ra ngay trong năm 2022.
Do đó, Mỹ vẫn có thể đạt được những thành tựu phục hồi kinh tế ngoạn mục nếu chính quyền của Tổng thống Joe Biden kiềm chế lạm phát hiệu quả thông qua chính sách tăng lãi suất phù hợp.
(theo TTXVN)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguy-co-kinh-te-my-suy-thoai-dang-rat-gan-187615.html