Nguy cơ lạm phát dài hạn từ chính sách thuế quan sau cuộc bầu cử Mỹ

Đề xuất áp thuế lên tất cả hàng nhập khẩu, trong đó có mức thuế 60% đối với hàng hóa của Trung Quốc, là chính sách kinh tế trọng tâm cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, cảnh báo rằng chính sách thuế quan mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát dài hạn nếu các đối tác thương mại toàn cầu có hành động trả đũa.

Trong một chương trình mới đây của đài CBS, ông Kashkari cho rằng nếu chỉ áp thuế một lần, lạm phát dài hạn sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông lo ngại rằng chính sách thuế này sẽ trở thành một thách thức nếu nó làm leo thang căng thẳng thương mại.

Ông nhận định nếu các quốc gia liên tục trả đũa lẫn nhau bằng việc áp đặt thuế quan, tình hình sẽ trở nên đáng lo ngại và khó lường hơn rất nhiều.

Đề xuất áp thuế lên tất cả hàng nhập khẩu, trong đó có mức thuế 60% đối với hàng hóa của Trung Quốc, là chính sách kinh tế trọng tâm cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Tuy nhiên, theo CNBC, các chuyên gia tài chính đã bày tỏ lo ngại rằng cách tiếp cận thương mại cứng rắn này sẽ thúc đẩy lạm phát, đặc biệt là khi lạm phát đang bắt đầu hạ nhiệt và Fed đã khởi động chu kỳ hạ lãi suất.

Tuần trước, Fed đã thực hiện lần cắt giảm lãi suất thứ hai liên tiếp, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm xuống phạm vi 4,5-4,75%, qua đó tiếp tục nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát tiến gần mức mục tiêu 2%.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã khiến căng thẳng thương mại với Trung Quốc gia tăng khi áp đặt một loạt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế đối với các sản phẩm của Mỹ. Các động thái này đã tạo tiền đề cho căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế này.

Ông Trump và những người ủng hộ ông, bao gồm cả Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla Elon Musk, đã công khai ủng hộ việc Tổng thống có tiếng nói trong việc định hình chính sách của Fed.

Tuy nhiên, Fed lâu nay luôn khẳng định rằng các quyết định tiền tệ của mình được đưa ra một cách độc lập, chỉ tập trung vào thể trạng của nền kinh tế Mỹ và không chịu áp lực chính trị hay bị chi phối bởi những cam kết tranh cử.

Ông Kashkari nhấn mạnh ông không lo ngại về việc áp lực chính trị ảnh hưởng đến các quyết định của Fed. Ông khẳng định Fed sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ kinh tế của mình và đó là yếu tố quyết định hành động của ngân hàng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nguy-co-lam-phat-dai-han-tu-chinh-sach-thue-quan-sau-cuoc-bau-cu-my-post992710.vnp