Nguy cơ làn sóng Covid-19 mới do biến thể Omicron 'tàng hình'
Theo thống kê của WHO, trong tuần qua, số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 toàn cầu giảm so với tuần trước đó, với tỷ lệ lần lượt là 21% và 9%. Điều này cho thấy, làn sóng Omicron đang có chiều hướng giảm, nhưng dòng phụ BA.2, còn gọi là 'Omicron tàng hình', đang gây nhiều lo ngại.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca mắc Covid-19 được xác nhận ngày 21/2 tại Mỹ chỉ còn chưa đến 28.000, sụt giảm mạnh so với khoảng hơn 800.000 ca cách đây 5 tuần. Kéo theo đó là các ca nhập viện tiếp tục giảm, một dấu hiệu cho thấy làn sóng biến thể Omicron đang suy yếu trên toàn nước Mỹ.
Tương tự một loạt quốc gia khác từng là tâm điểm dịch của thế giới Ấn Độ, Brazil, Pháp, Anh… số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày cũng giảm mạnh so với thời điểm cách đây vài tuần. Việc các ca mắc mới giảm liên tục trong thời gian qua đã khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 21/2 công bố kế hoạch sống chung với Covid-19, theo đó mọi biện pháp hạn chế phòng dịch sẽ được dỡ bỏ tại vùng England từ ngày 24/2. Việc đeo khẩu trang, kể cả trên các phương tiện giao thông công cộng, giờ đây không còn là quy định bắt buộc. Thay vào đó, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ tự quyết định cách tiếp cận phòng dịch, đồng nghĩa với việc các rạp hát và cửa hàng vẫn có thể yêu cầu nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang.
“Tại vùng England, chúng tôi sẽ xóa bỏ tất cả các hạn chế về phòng chống dịch Covid-19. Từ ngày 24/2, sẽ không còn quy định về việc tự cách ly nếu bạn có kết quả dương tính và do đó, chúng tôi cũng sẽ chấm dứt việc cung cấp các khoản thanh toán hỗ trợ cách ly. Nếu bạn đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc dưới 18 tuổi tiếp xúc gần với F0, bạn cũng sẽ không bị yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19 hàng ngày nữa. Nếu chưa được tiêm chủng đầy đủ mà tiếp xúc gần với F0, bạn cũng sẽ không còn phải tự cách ly nữa”, Thủ tướng Anh Johnson cho biết.
Mặc dù, tình hình dịch bệnh tại nhiều điểm nóng có dấu hiệu khả quan, nhưng các chuyên gia cho biết, còn quá sớm để “giương cao ngọn cờ sứ mệnh đã hoàn thành” bởi sự lây lan âm thầm của dòng phụ biến thể Omicron, được gọi là BA.2 hay “Omicron tàng hình”.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo: “Chúng ta vẫn chưa an toàn. Điều đáng chú ý là cho đến nay, nước Đức mới chỉ ghi nhận khoảng 15% ca mắc biến thể BA.2. Ở các quốc gia khác, tỷ lệ này cao hơn. Tôi tin rằng chúng ta đã vượt qua đỉnh của sóng Omicron, tương ứng với những gì chúng ta đã dự đoán. Nhưng nếu biến thể BA.2 lan rộng hơn nữa ở Đức, nó sẽ khiến thành công mà tôi vừa nói đến gặp nguy hiểm”.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện BA.2 chiếm khoảng 1/5 số ca mới nhiễm biến thể Omicron trên toàn thế giới. Hiện ngoài Đan Mạch, dòng phụ BA.2 đang trở thành biến thể chủ đạo ở một số nước châu Á, như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Philippines.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, BA.2 lây lan nhanh hơn các dòng phụ khác của Omicron. Vì khả năng lây lan này, các nhà khoa học lo ngại sự nổi lên của BA.2 sẽ có thể kéo dài làn sóng lây nhiễm hiện nay và khiến thêm nhiều người nhập viện và tử vong./.