Nguy cơ leo thang đối với thị trường năng lượng châu Âu mùa đông

Khi Đức thông báo trong tuần này rằng họ tạm đình chỉ quá trình cấp phép cho dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 gây tranh cãi của Nga, thị trường năng lượng đã phản ứng ngay lập tức.

Giá khí đốt tự nhiên châu Âu giao sau tăng gần 18% vào thứ Ba và tiếp tục tăng thêm vào ngày thứ Tư. Giá bán buôn ở Anh cũng tăng mạnh. Hiện giá khí đốt tự nhiên đang quay trở lại mức kỷ lục vào đầu tháng 10 năm ngoái, khi một số nhà máy khí đốt ở châu Âu và Vương quốc Anh phải đóng cửa vì hoạt động không có lãi.

Sự bất an ngày càng tăng: Khi thời tiết lạnh hơn, liệu châu Âu có thể cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho các tòa nhà và doanh nghiệp cũng như sưởi ấm cho các ngôi nhà trong bối cảnh phải tranh giành nguồn nhiên liệu trên toàn cầu ?

Nikos Tsafos, chuyên gia về năng lượng và địa chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C, cho biết: "Thị trường đang vô cùng xáo trộn. Việc không cấp phép cho dự án trên càng tạo thêm sự lo lắng".

Hiện tại, quyết định của Đức chưa phê duyệt Nord Stream 2 vì đơn vị điều hành đường ống có trụ sở tại Thụy Sĩ dường như dựa trên một vấn đề pháp lý phù hợp. Nhưng động thái này sẽ trì hoãn ngày dự án đi vào hoạt động. Trước đó dự án này được kỳ vọng là một bước ngoặt có thể giảm thiểu tình trạng thiếu hụt năng lượng của châu Âu.

Các chiến lược gia tại Goldman Sachs đã viết trong một nghiên cứu: "Thời gian đường ống bắt đầu hoạt động có vẻ lâu hơn những gì chúng tôi mong đợi ban đầu". Hiện họ ước tính dự án này sẽ khởi động vào tháng 2/2022, mặc dù một số nhà phân tích cho rằng nó sẽ còn muộn hơn. Điều đó có nghĩa là không thể trông chờ vào việc nguồn cung sẽ gia tăng ngay trong những tháng tới.

Giá khí đốt châu Âu tiếp tục tăng trở lại. Ảnh: CNN.

Giá khí đốt châu Âu tiếp tục tăng trở lại. Ảnh: CNN.

Carlos Torres Diaz, người đứng đầu mảng khí đốt và điện tại Rystad Energy cho biết: "Nord Stream 2 là đường ống có thể thay đổi cuộc chơi cung cấp năng lượng ở châu Âu. Do đó, sự chậm trễ trong việc khởi động dự án có nghĩa là tình trạng thiếu nguồn cung trong thị trường khí đốt sẽ kéo dài đến hết mùa đông".

Tầm quan trọng của Nord Stream 2

Liên minh châu Âu (EU) đang tiếp nhận khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga. Và ngay cả khi họ đang chuyển hướng sang các nguồn năng lượng sạch hơn, sự phụ thuộc trên dự kiến vẫn giữ nguyên.

Việc xây dựng Nord Stream 2 do tập đoàn dầu khí Gazprom, có liên kết với nhà nước Nga, kiểm soát. Dự án này bắt đầu được xây dựng vào năm 2018 và hoàn thành vào tháng 9 năm nay, dự kiến sẽ cung cấp trực tiếp 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga đến châu Âu.

Đường ống này luôn gây tranh cãi vì nó không đi qua Ukraine, điều khiến nhiều quốc gia phương Tây lo ngại rằng dự án sẽ tăng cường ảnh hưởng của Moscow trong khu vực. Trước đó, đã có đồn đoán rằng quá trình phê duyệt dự án có thể được đẩy nhanh hơn trong thời gian này do giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu có thể sẽ tăng cao hơn do tình hình thời tiết và nhu cầu tăng vọt.

Jeremy Weir, CEO của công ty kinh doanh năng lượng Trafigura, chia sẻ trong một cuộc họp tuần này: "Chúng ta đang không có đủ khí đốt vào lúc này. Vì vậy, có một mối lo ngại thực sự rằng ... nếu chúng ta có một mùa đông lạnh giá, chúng ta có thể mất điện liên tục ở châu Âu."

Theo Tsafos, thành viên của CSIS, việc trì hoãn phê duyệt dự án Nord Stream 2 làm tăng thêm lo ngại rằng Nga sẽ không hỗ trợ nhiều hơn mức nghĩa vụ thông thường của họ để giúp châu Âu vào một thời điểm khó khăn như một số người đã hy vọng.

Henning Gloystein của trung tâm nghiên cứu Eurasia Group cho rằng lượng khí đốt từ Nga đến châu Âu trong mùa đông này sẽ không bị ảnh hưởng nhưng tình hình về mặt chính trị vẫn còn khá căng thẳng.

Ông nói: "Bằng cách đình chỉ quy trình phê duyệt Nord Stream 2, các cơ quan quản lý của Đức và nhiều khả năng là chính phủ mới sắp tới của họ muốn đưa ra thông điệp rằng họ không sẵn sàng cúi đầu trước áp lực của Nga trong việc phê duyệt nhanh chóng đường ống. Động thái này cũng báo hiệu [với] các đồng minh của họ ở Ba Lan, Brussels và ở Washington rằng Berlin không làm ngơ trước những lời chỉ trích của họ về dự án này."

Kịch bản tiếp theo?

Loạt diễn biến này càng phủ mờ triển vọng năng lượng của châu Âu trong thời gian tới. Các chuyên gia, tổ chức chống đói nghèo và nhiều nhà vận động môi trường đã cảnh báo rằng hàng triệu người trên khắp châu Âu có thể không đủ tiền sưởi ấm cho ngôi nhà trong mùa đông này do giá khí đốt và điện tăng vọt.

Nghiên cứu gần đây do Stefan Bouzarovski, giáo sư tại Đại học Manchester và là chủ tịch mạng lưới nghiên cứu về đói nghèo năng lượng Engager, cho thấy có tới 80 triệu hộ gia đình trên khắp châu Âu đang phải vật lộn để duy trì sự ấm áp cho ngôi nhà trước đại dịch. Sự tăng giá đột biến hiện nay có thể làm cho vấn đề tồi tệ hơn, dù các chính phủ đã có một số bước đi để bù đắp chi phí.

Rystad Energy dự đoán rằng sự chậm trễ của Nord Stream 2 thậm chí có thể ảnh hưởng đến thị trường năng lượng sau mùa đông này, dự đoán rằng việc phê duyệt hiện sẽ được hoàn thành sớm nhất vào khoảng tháng 4. Eurasia Group cũng cho rằng Nord Stream 2 có thể sẽ chưa đi vào hoạt động cho đến quý 2 năm 2022. Rystad Energy cho biết: "Châu Âu có thể phải tiếp tục phụ thuộc vào thị trường khí tự nhiên hóa lỏng vốn đã nhỏ và yếu. Điều này cũng cho thấy khả năng tăng giá khí đốt trong nửa đầu năm tới nếu nguồn dự trữ của châu Âu cạn kiệt nghiêm trọng".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguy-co-leo-thang-doi-voi-thi-truong-nang-luong-chau-au-mua-dong-2021111909431725.htm