Nguy cơ mất an toàn giao thông từ những 'shipper'

Hiện nay, do nhu cầu mua hàng online của người dân tăng nên những người làm công việc giao hàng (shipper) cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Thời tiết mưa, nắng thất thường cộng với áp lực thời gian giao hàng, chỉ tiêu phải giao đủ đơn khiến nhiều shipper cố tình di chuyển với tốc độ cao, vượt ẩu, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông và vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) và gây không ít bức xúc cho người tham gia giao thông.

Người giao hàng sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên đoạn đường Hoàng Diệu, TP. Đông Hà -Ảnh: H.N

Người giao hàng sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên đoạn đường Hoàng Diệu, TP. Đông Hà -Ảnh: H.N

Trên các tuyến đường ở TP. Đông Hà, không khó để nhận thấy nhiều người giao hàng chở cồng kềnh, di chuyển gấp gáp, thiếu quan sát tín hiệu đèn giao thông cũng như tín hiệu xi nhan, còi của những xe lưu thông trước, sau mình. Chị Trần Quyên, đi qua đoạn đường Hàm Nghi, TP. Đông Hà bức xúc nói: “Khi đang lưu thông trên đường, tôi bị một shipper vượt lên và không xi nhan nhưng đột ngột rẽ khiến tay lái của tôi loạng choạng.

Vừa chạy nhanh, vừa xem tin nhắn điện thoại nên những shipper không hề nghe thấy tiếng còi của xe phía sau. Có nhiều shipper hằng ngày giao đơn hàng mặc dù vào nơi đông người nhưng các bạn ấy vẫn chạy rất ẩu, thường xuyên nhìn điện thoại để tìm địa chỉ giao hàng nên rất dễ xảy ra va chạm. Vẫn biết công việc shipper vất vả, nhiều áp lực nhưng theo tôi, làm nghề nghiệp gì cũng phải tuân thủ pháp luật, đặt sự an toàn tính mạng của bản thân và mọi người lên hàng đầu”.

Không thể phủ nhận dịch vụ giao hàng đã tạo việc làm cho một lượng lớn lao động, đặc biệt là thanh niên.

Tuy nhiên, vì áp lực cạnh tranh đơn hàng, mặt khác do tâm lý muốn hoàn thành công việc nhanh chóng nên nhiều shipper đã phóng nhanh, vượt ẩu trên đường.

Nếu chẳng may xảy ra tai nạn, việc bồi thường hàng hóa cho chủ hàng cũng như cho người va chạm cũng là một vấn đề nan giải đối với các shipper. Bởi đa phần họ là những lao động thu nhập thấp, những thanh niên trẻ tuổi mới bắt đầu mưu sinh kiếm tiền.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài nhân viên của các công ty dịch vụ giao hàng, vận chuyển hàng phạm vi toàn quốc thì còn có vô số cá nhân làm công việc giao đồ ăn, thức uống cho các cửa hàng nhỏ lẻ, các cá nhân, chủ shop kinh doanh online... phạm vi trong tỉnh. Bình quân mỗi ngày, một shipper có thể giao khoảng 40-50 đơn hàng tùy khu vực hoặc theo quy định của đơn vị vận chuyển.

Ngoài ra, còn có những shipper hoạt động tự do, khi các cá nhân, chủ cửa hàng có khách đặt hàng và liên lạc báo cần giao là lên đường di chuyển ngay.

Vì mọi sự điều phối và liên lạc để giao, nhận hàng đều thông qua mạng xã hội hoặc số điện thoại nên hầu như tất cả các shipper đều phải sử dụng điện thoại trong quá trình làm việc.

Mặt khác, đáp ứng yêu cầu giao hàng nhanh, đặc biệt là đối với các đơn hàng thực phẩm, đồ ăn chế biến sẵn là một trong những tiêu chí quan trọng của công việc này. Vì vậy, không ít người giao hàng đã bất chấp các quy định của Luật Giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường.

Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an TP. Đông Hà, Trung tá Trần Trung Hải cho biết: “Người giao hàng là những người có thời gian lưu thông trên đường tương đối nhiều, nhất là tại khu vực đô thị trung tâm như TP. Đông Hà.

Tuy nhiên, bên cạnh những người chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ thì có nhiều người giao hàng trẻ tuổi ý thức khi tham gia giao thông còn hạn chế nên thường xuyên vi phạm, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn, nguy hiểm cho bản thân và người khác. Các lỗi mà shipper thường mắc phải là chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ; lạng lách; đi ngược chiều; sử dụng điện thoại khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy...

Trước thực trạng đó, thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm TTATGT của người làm công việc giao hàng bằng xe mô tô, xe gắn máy hoạt động trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, chú trọng tuyên truyền đến các công ty, cửa hàng, cá nhân kinh doanh phối hợp với lực lượng chức năng nhắc nhở nhân viên giao hàng chấp hành đúng các quy định của pháp luật về TTATGT khi làm việc.

Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở đến những người làm công việc giao hàng không được chở hàng hóa cồng kềnh, cơi nới; không sử dụng phương tiện không đạt yêu cầu trong quá trình vận chuyển; tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang lái xe; cần có ý thức tự bảo vệ bản thân, chú ý quan sát và tuân thủ các quy tắc, quy định của pháp luật khi tham gia giao thông...

Trên thực tế, mặc dù chưa gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng nhưng nhiều vụ va chạm giao thông giữa shipper và người đi đường đã diễn ra.

Vì thế, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông của mỗi người giao hàng là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu những va chạm đáng tiếc, đẩy lùi các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ dẫn đến tai nạn, qua đó tạo thiện cảm hơn cho người dân về công việc giao hàng”.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nguy-co-mat-an-toan-giao-thong-tu-nhung-shipper-184878.htm