Nguy cơ mất an toàn thực phẩm dịp Tết
Ngoài nỗi lo về giá cả thực phẩm 'leo thang', người tiêu dùng còn đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết. Đợt kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam chủ trì (gọi tắt là Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh), cho thấy nhiều mối nguy về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân năm 2021.
Ngoài nỗi lo về giá cả thực phẩm “leo thang”, người tiêu dùng còn đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết. Đợt kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam chủ trì (gọi tắt là Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh), cho thấy nhiều mối nguy về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân năm 2021.
Nhiều vi phạm
Trong đợt kiểm tra lần này, Đoàn Kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh đến kiểm tra cơ sở sản xuất bánh mì B.H. (Số nhà 266, đường Hùng Vương, thị trấn Tân Bình, H. Hiệp Đức). Lò bánh mì B.H. vừa sản xuất bánh mì, làm bánh kem vừa kiêm nghề giặt ủi trong một không gian chật hẹp, bừa bộn. Khu sản xuất bánh mì ẩm mốc, sản phẩm mới để gần với bánh mì vụn “cho heo ăn” (lời của nhân viên). Nơi giặt ủi cũng là nơi bày bán bánh mì, làm bánh kem, với thùng các tông, bao ni-lông, phẩm màu, áo quần chưa giặt... Chủ cơ sở chưa có giấy chứng nhận sức khỏe, chưa thực hiện các quy định về sản phẩm, chưa dán nhãn hàng hóa thực phẩm, không chứng thực nguồn gốc nguyên vật liệu, phụ gia... Đoàn Kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 6 triệu đồng, buộc dừng hoạt động để xử lý các bước tiếp theo.
Bà Võ Thị Loan - Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP H. Hiệp Đức cho biết, triển khai công tác đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân năm 2021, Đoàn Kiểm tra liên ngành ATTP huyện đã tổ chức 12 đoàn thanh, kiểm tra ATTP tuyến huyện và tuyến xã. Qua kiểm tra 62 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống, Đoàn Kiểm tra liên ngành ATTP H. Hiệp Đức đã phát hiện và xử lý 8 cơ sở vi phạm. “UBND huyện củng cố Ban Chỉ đạo, củng cố Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện; xây dựng và triển khai kế hoạch trên toàn huyện. Mục tiêu là đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng” - bà Loan nói.
Qua kiểm tra 55 cơ sở, Đoàn Kiểm tra liên ngành ATTP TP Tam Kỳ phát hiện tiêu hủy tại chỗ 74 hộp sữa hết hạn sử dụng, 10kg bột sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động 2 cơ sở sản xuất và xử lý 1 cơ sở... Qua kiểm tra trực tiếp, Đoàn Kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh đã nhắc nhở và xử lý một số cơ sở vi phạm về điều kiện ATVSTP. Trong đó, có siêu thị mới mở trên đường Phan Chu Trinh, TP Tam Kỳ cũng “dính” nhiều vi phạm như: tất cả nhân viên chưa xuất trình xác nhận đủ sức khỏe, một số sản phẩm có nhãn không đúng quy định, quá hạn sử dụng.
Tăng cường kiểm tra
Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đều có vi phạm về ATTP tại thời điểm kiểm tra. Một số sản phẩm hàng hóa không đảm bảo yêu cầu buộc phải tiêu hủy tại chỗ. Đó là thực tế khi Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh trực tiếp kiểm tra tại các huyện Đại Lộc, Hiệp Đức và TP Tam Kỳ trong đợt cao điểm nhằm đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân năm 2021.
Theo bà Lê Thị Hồng Cẩm - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống khi kiểm tra đều có những vi phạm chủ yếu như điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện về con người; sản phẩm thiếu tiêu chuẩn, không có công bố hợp quy, đăng ký bản công bố sản phẩm; hàng hết hạn sử dụng, thiếu ghi nhãn hàng hóa v.v... “Đây là những vi phạm mà hầu hết các cơ sở đều mắc phải khi Đoàn Kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh trực tiếp kiểm tra. Cùng với việc phát hiện, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đợt kiểm tra này cũng nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống thực hiện đúng cam kết về ATVSTP, nhằm đảm bảo sức khỏe người dân” - bà Cẩm cho biết.
Khó khăn, hạn chế hiện nay là các cơ sở nhỏ lẻ khó quản lý; hàng hóa trôi nổi không rõ nguồn gốc có phổ biến; thức ăn đường phố thực hiện chưa tốt các quy định về đảm bảo ATTP; kẹo bánh, quà vặt trước cổng trường vẫn chưa quản lý được nên có nhiều mối nguy cho sức khỏe các em học sinh. Đáng lo là dịch vụ nấu ăn lưu động (thuộc loại hình thức ăn đường phố do cấp xã quản lý) có khi lên đến 1.000 suất ăn/lần phục vụ nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt xảy ra rất cao nên khó khăn trong công tác quản lý của cấp cơ sở.
Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATTP, các ngành chức năng của tỉnh gồm nông nghiệp, y tế, công thương đang phối hợp chặt chẽ với ngành công an, quản lý thị trường để triển khai cao điểm thanh tra, kiểm tra về ATTP. Kết thúc đợt kiểm tra sẽ công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_238238_nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-dip-tet.aspx