Nguy cơ mất chủ quyền công nghệ nếu phụ thuộc vào nước ngoài
Sự phụ thuộc khoa học công nghệ nước ngoài dẫn đến mất chủ quyền công nghệ do nghiên cứu ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ của chúng ta chưa đến mức đột phá...
![Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_3_51452398/5761c682f0cc199240dd.jpg)
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thẳng thắn chỉ ra tại hội nghị "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", liên quan đến những nguy cơ, thách thức an ninh trong phát triển khoa học công nghệ.
Theo Bộ trưởng, có 4 thách thức
PHỤ THUỘC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CÓ THỂ GÂY MẤT CHỦ QUYỀN CÔNG NGHỆ
Thách thức thứ nhất là sự phụ thuộc khoa học công nghệ nước ngoài dẫn đến mất chủ quyền công nghệ do nghiên cứu ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ của chúng ta chưa đến mức đột phá. Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi như bán dẫn, AI, big data, công nghệ lượng tử… Nguy cơ chảy máu chất xám, nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng.
Thách thức thứ hailà hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế. An ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức. Số vụ tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu nhằm vào các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam, rồi tội phạm kinh tế, công nghệ cao đang ngày càng gia tăng. Trong khi phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp trong nước chưa đủ biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Từ thống kê của Hiệp hội An ninh mạng và Hiệp hội Dữ liệu cùng thực trạng thời gian vừa qua, có những thứ chúng ta biết được là mất, có những thứ chúng ta sẽ không phát hiện được. Thách thức này liên quan đến vấn đề đầu tư, nghiên cứu.
Thách thức thứ balà nhu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chúng ta phải thực hiện hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, nhưng trong quá trình này, phải tránh gây bất lợi cho Việt Nam. Không phải chúng ta không quản được thì cấm, chúng ta không cấm, nhưng chúng ta phải có chính sách để làm chủ công nghệ, làm chủ được quá trình khai thác. Có những cái chúng ta phải đặt hàng, phải chỉ định, và chúng ta bảo hộ được quyền đấy.
Thách thức thứ tưlà rủi ro về môi trường, xã hội, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên trong quá trình sản xuất công nghệ cao, nguy cơ bất ổn xã hội do sự chênh lệch, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và nhóm dân cư.
Đấy là 4 thách thức dưới góc độ an ninh quốc gia. Để tận dụng, tranh thủ tối đa thời cơ, đẩy lùi nhữnh nguy cơ thách thức, góp phần phát triển đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Công an có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, phải đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia gắn với bảo vệ dữ liệu và nâng cao năng lực an ninh mạng. Phát triển công nghiệp an ninh ứng dụng gắn chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia. Trong đó công nghiệp an ninh mạng, dữ liệu lớn là trụ cột quan trọng của công nghiệp an ninh.
Chúng ta phải tập trung nghiên cứu phát triển để làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng này. Nếu chúng ta muốn làm chủ thì không cách nào khác là phải đặt hàng và chính chúng ta phải tập trung nghiên cứu và nắm được công nghiệp an ninh ứng dụng gắn với công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia.
Thứ hai,phải hoàn thiện chính sách quy định đảm bảo an ninh an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và bảo hộ tài sản trí tuệ đối với công nghệ và sản phẩm công nghệ cao. Nghiên cứu làm chủ được rồi nhưng đưa vào thực tiễn để thực hiện rất khó. Chúng ta hiện nay đang đi mua, đấu thầu lựa chọn tất cả các thứ. Nếu chúng ta đặt hàng, nghiên cứu và có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, giúp các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào khoa học công nghệ.
Thứ ba,phải tạo được bước đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Lúc nãy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nói rồi, cũng đạt được con số rất lớn, nhưng nếu không có chính sách đột phá thì con số này sẽ rất khó thực hiện. Cần một nguồn nhân lực rất lớn và không ai khác là chúng ta phải tự mình đào tạo.
Lực lượng công an theo chức năng nhiệm vụ quan sát tình hình và từ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chúng tôi sẽ hỗ trợ các nhà khoa học, các tập đoàn, các tổng công ty cùng đặt hàng nghiên cứu và phát triển công nghệ khoa học ứng dụng và sẽ có những biện pháp bảo vệ, bảo hộ với những sản phẩm này.
HÀ NỘI SẴN SÀNG THÍ ĐIỂM CÁC CÔNG NGHỆ MỚI
Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết nhằm triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57, Thành ủy Hà Nội đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện, xây dựng ngay Kế hoạch triển khai các Nghị quyết.
![Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Hà Nội sẵn sàng là nơi thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_3_51452398/c39b5c786a368368da27.jpg)
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Hà Nội sẵn sàng là nơi thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP.
Với điều kiện, lợi thế về nhân lực, đất đai, cơ chế…, Hà Nội sẵn sàng là nơi thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về nhân lực, chúng ta không theo lối cũ là cứ đào tạo. Ví dụ việc đào tạo công nhân cho nhà máy lắp ráp chip theo tiêu chuẩn của Đài Loan (Trung Quốc) thì phải theo giáo trình của họ, chứ không phải chúng ta cứ đào tạo là được. Vậy với nhu cầu nhân lực thì chúng ta hỗ trợ qua đầu nào? Nếu như hỗ trợ hết cho các trường đại học, đào tạo không có địa chỉ thì có phải lãng phí, mà sinh viên ra trường lại không dùng được.
Về cơ chế đặt hàng, Nhà nước thiết kế cơ chế phân phối lợi nhuận, còn người trực tiếp phân phối lợi nhuận nên là doanh nghiệp chứ không phải Nhà nước. Doanh nghiệp có nhu cầu về một nghiên cứu nào đó thì đặt hàng các viện bằng cơ chế thị trường, lúc đó sẽ thoát khỏi việc chi tiêu ngân sách. Nếu không thay đổi mà vẫn kiểu hóa đơn, quyết toán đơn thuần như chi ngân sách thì không làm khoa học công nghệ được.
HOÀN THIỆN THỂ CHẾ LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết cơ quan này đang khẩn trương đánh giá để sửa đổi Luật Giáo dục đại học cũng như Luật Giáo dục nghề nghiệp trong năm nay, xem xét xây dựng chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học (trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, hỗ trợ tài chính cho người học, đặc biệt để thu hút nhiều học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành STEM; chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút giảng viên, đặc biệt thu hút chuyên gia nước ngoài; các chính sách đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học cần có những đổi mới theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Hoàng Hà báo cáo theo thống kê trong 5 năm vừa qua, các nhà khoa học của Viện đã cấp khoảng 300 bằng sở hữu trí tuệ, trong đó có nhiều bằng độc quyền sáng chế quốc tế.
Tuy đạt được một số kết quả nhưng Viện vẫn chưa hoàn toàn đạt được tiềm năng của mình, chủ yếu vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan như: Luật Khoa học công nghệ, Luật Viên chức, Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư...
Do đó, thời gian qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tham gia cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các bộ, ngành liên quan xây dựng lại Luật KHCN cũng như góp ý cho Nghị quyết tháo gỡ phát triển KHCN của Quốc hội. Phó Chủ tịch Viện hi vọng những góp ý này sẽ sớm đưa vào ứng dụng.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với tăng trưởng cao và bền vững.
Thứ hai, rà soát những nút thắt, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung.
Thứ ba, phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ tư, phải đa dạng hóa các nguồn lực gồm nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và trong xã hội.
Thứ năm, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đào tạo.
Thứ sáu, quản trị phải thông minh, tối ưu hóa quản lý, xóa bỏ cơ chế xin-cho, thủ tục rườm rà.
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập, đặc biệt là chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi, tiên tiến nhất.
Thứ tám, các bộ, ngành, địa phương, các cấp, viện, trường, nhà khoa học cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của đất nước lên trên hết.
Thứ chín, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu để thu hút chất xám, công nghệ, nguồn nhân lực ở khắp thế giới trên mọi lĩnh vực.