Nguy cơ mất ngoại binh giỏi nếu V.League hoãn 6 tháng

Năm ngoái, V.League từng tuyển được các ngoại binh xuất sắc khi một số giải quốc gia ở Đông Nam Á bị hoãn. Giờ thì chúng ta đối diện với nguy cơ ngược khi V.League sắp hoãn.

Ngày 19/7, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) gửi văn bản kèm phiếu lấy ý kiến của 14 đội về công tác tổ chức phần còn lại của V.League 2021. Hoặc giải đấu sẽ phải chờ đến năm 2022 để tiếp tục, hoặc giải sẽ bị hủy bỏ đi kèm rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho các nhà tổ chức, các đội bóng và cả nền bóng đá.

Một quyết định hệ trọng như vậy hẳn nhiên sẽ cần thời gian cân nhắc, suy nghĩ và khi đặt ra để bàn bạc, chuyện tranh cãi là khó tránh khỏi. Một nhóm đội bóng không đưa ra ý kiến cụ thể, một nhóm phản đối quyết liệt, nhóm khác thì nói về khó khăn nhưng sẽ theo số đông và tôn trọng cuộc chơi chung.

Tình trạng tài chính của các CLB nếu V.League hoãn 6 tháng

Dù là đội nhà giàu như CLB TP.HCM, Hà Nội, Sài Gòn hay thuộc diện “dư dả” như HAGL, Thanh Hóa, Bình Định, tất cả đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch bệnh.

Dĩ nhiên với các doanh nghiệp lớn, khi đã chấp nhận “gánh vác” đội bóng và được xem là bộ mặt của ông chủ, nguồn tiền để nuôi ngần ấy con người đã được “cất riêng”. Nhưng rõ ràng, những khoản phát sinh như bổ sung cầu thủ, thay mới ngoại binh chất lượng cao thì sẽ phải “tiết kiệm” hơn.

Những khoản thưởng theo kiểu “vung tay trên trời” chắc sẽ khó lòng xuất hiện trong thời gian tới. Nhưng đó là chuyện của những đội bóng nhà giàu.

 Không có nguồn tài chính dồi dào, giải đấu kéo dài chắc chắn sẽ tác động không tốt tới CLB Nam Định. Ảnh: Minh Chiến.

Không có nguồn tài chính dồi dào, giải đấu kéo dài chắc chắn sẽ tác động không tốt tới CLB Nam Định. Ảnh: Minh Chiến.

Còn với những đội “con nhà nghèo”, duy trì tài chính, tiếp tục vận hành cỗ máy bóng đá đã là chuyện khó khăn với họ. Đây là lý do chính khiến Nam Định và Hải Phòng trở thành “lá cờ đầu” trong phong trào phản đối kế hoạch kéo dài V.League 2021 sang năm sau của VPF. Với Hải Phòng, sự xuất hiện của Chủ tịch Văn Trần Hoàn thay cho ông Trần Mạnh Hùng mang lại nhiều làn gió tươi mới. Nhưng thực tế chỉ ra rằng, ngoài khoản tiền chi cho việc sửa mặt sân, nâng cấp cơ sở vật chất, đội bóng đất cảng cũng chỉ có thêm 10 tỷ cho các nhu cầu khác.

Số tiền ấy sẽ như “muối bỏ biển” nếu giải cứ ở trong tình trạng “đóng băng” hiện nay. Ông Hoàn “pháo” là một CĐV nổi tiếng chịu chơi, nhưng ở vai trò lãnh đạo CLB, đòi hỏi về tài chính sẽ rất khác.

Về phần Nam Định, họ vẫn là đội bóng nghèo nhất V.League. Có thời điểm, HLV Nguyễn Văn Sỹ còn phải cầm cố nhà cửa, thay mặt đội bóng chủ quản trả lương thưởng để học trò ra sân đá. Nhiều người vẫn nói nửa đùa nửa thật Nam Định là CLB đá bằng... niềm tin.

Tình trạng tài chính của Nam Định giờ không còn khó khăn như xưa nhưng nhìn chung vẫn eo hẹp. Đây có thể là CLB bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 tại V.League. Mọi phát sinh về tài chính đều dễ dàng đẩy đội bóng thành Nam vào cuộc khủng hoảng.

Ngay ở trong hội đồng quản trị VPF, CLB Hà Tĩnh dưới sự điều hành của ông Nguyễn Tiến Dũng cũng đã than phiền về việc V.League kéo dài. Nhiều đội lo ngại kế hoạch tài chính sẽ bị đảo lộn nếu giải đấu phải thi đấu thêm nhiều tháng, thay vì kết thúc trong năm 2021.

 Nhiều CLB sẽ đối diện nguy cơ mất ngoại binh giỏi nếu giải đấu "đóng băng" quá lâu. Ảnh: Minh Chiến.

Nhiều CLB sẽ đối diện nguy cơ mất ngoại binh giỏi nếu giải đấu "đóng băng" quá lâu. Ảnh: Minh Chiến.

Đâu là mối nguy lớn nhất?

Chia sẻ với Zing, chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức thẳng thắn: “Khó khăn thì mỗi đội bóng phải tự khắc phục chứ VFF, VPF cũng không thể khắc phục được. HAGL cũng có ngần ấy cầu thủ thôi, có đá thì cũng nuôi quân và không đá thì cũng nuôi bằng ấy quân”.

Thông thường, V.League thường kéo dài khoảng 9 tới 11 tháng và đây là quãng thời gian mà nhiều đội bóng thường phải trả lương cho cầu thủ ngoại kèm khoản phí “lót tay” đáng kể. Với cầu thủ nội, hợp đồng thường có thời hạn 2 tới 3 năm và thực ra không bị ảnh hưởng bởi việc giải thi đấu khi nào, có chăng chỉ là thời điểm thanh toán khoản phí “lót tay”.

Nếu phải thi đấu phần còn lại vào tháng 2/2022, các đội bóng phải “nuôi quân” thêm khoảng 3-4 tháng. Chi phí sinh hoạt của toàn đội sẽ vào khoảng 600 triệu - 1 tỷ đồng/tháng, tùy ngân sách từng đội, tùy địa điểm đóng quân và mức chi tiêu của riêng mỗi đội.

Về lương, muốn hay không muốn, CLB vẫn phải trả theo hợp đồng. Tổng số tháng phải trả lương cho cầu thủ vẫn không thay đổi dù V.League kéo dài tới năm sau.

Có nhiều đội bóng thường “thòng” điều khoản giảm bớt lương vào quãng nghỉ giữa 2 mùa giải. Giờ đây, khi dịch bệnh leo thang và giải nghỉ dài hạn, việc đàm phán để các cầu thủ chung tay cùng đội bóng hoàn toàn có thể xảy ra. Ngay cả các CLB tại Thái Lan cũng từng làm điều này khi Thai League phải hoãn 6 tháng hồi năm ngoái. Mức giảm có thể là 10-25% và tối đa 50% tùy thuộc vào thiện chí của cầu thủ bởi đây vẫn là chuyện mang tính tự nguyện.

“Lương thưởng cầu thủ phát sinh là vấn đề lớn với đội bóng có tài chính hạn chế như Nam Định. Nếu quyết tâm đưa giải đấu sang năm tiếp theo, VPF cần có phương án cam kết về công tác tổ chức, tài chính, như thế CLB mới yên tâm”, Giám đốc Điều hành CLB Nam Định Trần Thái Toán giãi bày.

 Nhiều cầu thủ sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối mùa, thậm chí có thể ra đi ngay trước lượt về V.League 2021. Ảnh: Minh Chiến.

Nhiều cầu thủ sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối mùa, thậm chí có thể ra đi ngay trước lượt về V.League 2021. Ảnh: Minh Chiến.

Nhưng một vấn đề lớn hơn chính là thời hạn của những bản hợp đồng sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Không ai chắc rằng nhóm cầu thủ đáo hạn này sẽ ở lại với CLB vào mùa giải tiếp theo.

Có hai nhóm cầu thủ được quan tâm đặc biệt trên thị trường chuyển nhượng V.League. Đấy là các ngoại binh chất lượng và những đương kim tuyển thủ quốc gia. Số lượng nhóm này rất ít và luôn nằm trong ưu tiên chuyển nhượng của các CLB. Nếu V.League hoãn 6 tháng, giữ chân nhóm cầu thủ này sẽ là nhiệm vụ quan trọng của nhiều CLB.

Theo tìm hiểu của Zing, một số ngôi sao sẽ hết hạn hợp đồng vào ngày 31/12 tới là Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng (CLB Viettel), Nguyễn Hải Huy (Than Quảng Ninh) hay một số ngoại binh như Oloya Moses (CLB Hà Nội), Paulo Pinto (Thanh Hóa), Hendrio (Bình Định), Gustavo Santos (Quảng Ninh). Các CLB sẽ gặp rắc rối lớn nếu họ quyết tâm ra đi. Đặc biệt với các ngoại binh, họ có thể hướng tới giải đấu khác nếu V.League hoãn quá lâu.

Riêng ở Đông Nam Á, Malaysia, Thái Lan đều có mức đãi ngộ cao, có nhiều suất thi đấu ở các giải AFC. Đó rõ ràng là điểm đến tiềm năng nếu các ngoại binh rời Việt Nam. Năm ngoái, V.League từng “câu” được các ngoại binh giỏi khi một số giải quốc nội Đông Nam Á bị hoãn. Giờ thì chúng ta đối diện với nguy cơ ngược khi V.League sắp hoãn.

Nhận định về điều này, nhà môi giới người Brazil Fabio Leandro Barbosa nói với Zing: “Việc các CLB tại V.League cần làm ngay là phải đàm phán về hợp đồng với cầu thủ nếu giải đấu kéo dài. Đây mới là vấn đề lớn nhất để tránh tạo ra xáo trộn lớn về lực lượng trước giai đoạn tiếp theo của giải đấu”.

Nhiều đội bóng sẽ đối diện nỗi lo mất người. Đó mới là bài toán lớn nhất khi V.League lần đầu tiên trong lịch sử có thể phải kéo dài trong 2 năm.

Lâm Biên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-mat-ngoai-binh-gioi-neu-vleague-hoan-6-thang-post1241508.html