Nguy cơ mất trắng gần 300 ha cây trồng do hạn hán ở Gia Lai

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài khiến cho nhiều địa phương ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai lâm vào tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

Hàng trăm ha cây trồng trên cánh đồng thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện đứng trước nguy cơ mất trắng do hạn hán. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Hàng trăm ha cây trồng trên cánh đồng thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện đứng trước nguy cơ mất trắng do hạn hán. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Điển hình là cánh đồng thôn Đoàn Kết, với gần 300 ha cây trồng của hơn 40 hộ dân thuộc các xã: Ayun Hạ, Ia Ake và thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện đang đối mặt với nguy cơ mất trắng do thiếu hụt nguồn nước tưới.

Tại cánh đồng thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, hầu hết các diện tích cây trồng đều đang khô héo, đặc biệt là các diện tích lúa gần như cháy khô, không còn khả năng cứu vãn. Người dân nơi đây chỉ có hai lựa chọn là gặt lúa về làm thức ăn cho gia súc hoặc tự bỏ kinh phí khoan giếng tìm nguồn nước cứu cây lúa và hoa màu của mình.

Ông Vũ Văn Khiển trú tại thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện cho biết, gia đình ông có 12 ha đất trồng lúa nước, nhưng do nắng hạn đã làm 6 ha bị cháy khô, không thể cứu được. Theo ông Khiển, mỗi ha lúa, gia đình ông đầu tư từ 35 đến 40 triệu đồng cho cây giống, phân, thuốc và công cày. Nếu thu hoạch bình thường, 12 ha lúa này mang về nguồn thu gần 1 tỷ đồng, nhưng giờ coi như mất đi một nửa.

Cùng chung hoàn cảnh, anh Siu Thuyên, một nông dân khác ở xã Ia Ake, huyện Phú Thiện than thở: "Năm nay, nắng hạn đã làm cho 2,5 ha lúa nước của gia đình bị chết khô, còn lại 1,5 ha cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Gia đình đã đầu tư nhiều tiền cho giống, phân, thuốc và công cày. Nếu như năm ngoái, gia đình tôi có thể thu về 10 tấn lúa/ha, thì năm nay chỉ còn khoảng 7 tấn".

Không chỉ lúa, nhiều loại cây trồng khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nắng hạn. Trên cánh đồng thôn Đoàn Kết, gia đình ông Trần Văn Thân cũng có 1 ha lúa nước, 1 ha khoai lang và 3 ha hoa màu. Gần 1 tháng qua, ông Thân đã phải tận dụng triệt để nguồn nước ít ỏi để bơm tưới cho cây lúa và cây khoai lang.

“Do thời tiết nắng hạn, tôi phải chi tới 600 nghìn đồng mỗi ngày để mua dầu bơm nước tưới cây. Chi phí sản xuất tăng vọt, trong khi giá nông sản thì bấp bênh. Tôi và các hộ nông dân ở đây mong rằng chính quyền địa phương sớm có kế hoạch đầu tư hệ thống kênh mương để dẫn nước từ thủy lợi Ayun Hạ về cánh đồng này. Cánh đồng này có diện tích lớn, đất phẳng, nếu để hoang phí thì rất đáng tiếc”, ông Thân chia sẻ.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phú Thiện, năm nay, nắng hạn diễn ra sớm hơn cùng kỳ, do đó nguồn nước từ suối Ia Ake, E Hú và các ao hồ, giếng khoan của người dân đã cạn kiệt từ giữa tháng 2. Hiện tại, lượng nước tưới gần như không còn đủ cung cấp cho các diện tích cây trồng sắp đến ngày thu hoạch.

Hiện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện có Tờ trình số 45/ TTr-UBND gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành liên quan đề xuất hỗ trợ kinh phí ứng phó với hạn hán trên cây trồng tại cánh đồng thôn Đoàn Kết hơn 1,2 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh 980 triệu đồng, ngân sách huyện và vốn huy động khác 260 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân, tổ dịch vụ chủ động và sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho biết: khu vực cánh đồng thôn Đoàn Kết hiện vẫn chưa có hệ thống trạm bơm và kênh mương cấp nước, vì vậy tình trạng thiếu nước vào mùa khô thường xuyên xảy ra. Nhất là năm nay, mùa mưa kết thúc sớm khiến cho nguồn nước thiếu hụt nghiêm trọng. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ phía tỉnh, nhiều khả năng người dân khu vực này sẽ mất trắng vụ mùa năm nay.

Để giải quyết tạm thời tình hình, trước mắt, địa phương đã sử dụng trạm bơm điện dã chiến đặt tại kênh chính thủy lợi Ayun Hạ, lắp đặt đường ống dẫn nước bơm nước liên tục vào lòng suối Ia Ake để người dân tự bơm vào ruộng.

“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể đáp ứng được nhu cầu nước tưới lâu dài cho cánh đồng thôn Đoàn Kết. Để giải quyết triệt vấn đề nước tưới cho khu vực này, chúng tôi đã cho rà soát và đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm, kênh mương dẫn nước từ thủy lợi Ayun Hạ. Đây là nguồn nước ổn định, có thể cung cấp đủ nước tưới cho cánh đồng thôn Đoàn Kết và các vùng lân cận”, ông Thành cho biết thêm.

Hoài Nam – Xuân Huy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nguy-co-mat-trang-gan-300-ha-cay-trong-do-han-han-o-gia-lai-20240306170956602.htm