Nguy cơ mới đe dọa an ninh châu Âu

Là một trong những thỏa thuận nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên tham gia sau Chiến tranh Lạnh, Hiệp ước Bầu trời mở giữa Mỹ, Nga và một số quốc gia khác đã bảo đảm an ninh cho châu Âu, góp phần xây dựng nền hòa bình cho thế giới trong suốt gần 20 năm qua. Do đó, thông tin về việc Washington sẽ rút khỏi hiệp ước này khiến Moscow không khỏi quan ngại và cảnh báo sẽ có hình thức đáp trả nếu điều này diễn ra.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin RIA Novosti, Vụ trưởng Vụ Không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov đã lên tiếng cảnh báo rằng, Moscow sẽ buộc phải đưa ra các biện pháp đáp trả nếu Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. “Thay vì tìm cách duy trì Hiệp ước Bầu trời mở, Washington lại đưa ra các cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ rằng Moscow vi phạm thỏa thuận này”, ông Vladimir Yermakov nhấn mạnh. Theo ông, Moscow tin tưởng vào sự sáng suốt của các bên tham gia, đồng thời kêu gọi duy trì hiệp ước vốn là một trong số ít trụ cột còn lại của cấu trúc an ninh châu Âu.

 Máy bay Tu-214ON của Nga thực hiện chuyến bay giám sát theo Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: Rg.ru.

Máy bay Tu-214ON của Nga thực hiện chuyến bay giám sát theo Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: Rg.ru.

Ý tưởng về Hiệp ước Bầu trời mở lần đầu tiên được đề xuất bởi cựu Tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower vào năm 1955 nhằm bảo đảm việc giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đề xuất của Mỹ không nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo Liên Xô. Chỉ đến cuối những năm 80, đầu những năm 90, hai bên mới quay trở lại bàn về hiệp ước này với ý nghĩa là một sáng kiến kiểm soát vũ khí đa phương. Hiệp ước Bầu trời mở được 23 quốc gia thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ký kết vào ngày 24-3-1992 tại Helsinki (Phần Lan) và có hiệu lực từ ngày 1-1-2002. Hiện nay, có 34 quốc gia tham gia ký kết hiệp ước này. Mục đích của Hiệp ước Bầu trời mở là giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia tham gia ký kết thông qua việc giám sát hoạt động quân sự và tuân thủ các hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện có. Theo hiệp ước này, các nước có quyền tiến hành chuyến bay giám sát trên không phận của nhau nhưng phải thông báo trước 72 giờ để nước chủ nhà có thời gian phản hồi. Thời gian bay giám sát sẽ không quá 96 giờ và tuyến đường bay giám sát được giới hạn ở phạm vi 5.500km kể từ điểm khởi hành. Dù có quyền cấm chuyến bay giám sát nhưng bên được giám sát phải gửi lời giải thích bằng văn bản về lý do của quyết định này thông qua các kênh ngoại giao trong vòng 7 ngày. Nước tham gia ký kết có quyền rút khỏi hiệp ước và có nghĩa vụ phải thông báo về quyết định này không quá 6 tháng trước ngày dự định rút lui.

Thông tin về khả năng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở từng được Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel đề cập tới trong thư gửi Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien hồi tháng 10-2019. Một số quan chức chính quyền Mỹ lập luận, hiệp ước này không đáp ứng được lợi ích của Washington.

Kể từ khi trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ với chủ trương “nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump đã có nhiều quyết sách gây tranh cãi, đặc biệt là việc rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế trong nhiều lĩnh vực, như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) hay Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga... Dù cho đến thời điểm hiện nay, Washington chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này nhưng Moscow hết sức lo ngại về tình hình an ninh châu Âu nếu kịch bản xứ cờ hoa rút khỏi hiệp ước trên trở thành hiện thực. Trao đổi với tờ Kommersant, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nêu rõ, Moscow sẽ đưa ra các biện pháp dựa trên lợi ích quốc gia nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Theo ông Alexander Grushko, nếu Mỹ quyết định như vậy thì đây sẽ một đòn giáng mạnh vào an ninh châu Âu.

Việc INF chính thức bị khai tử hồi tháng 8-2019 đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu cũng như sự ổn định chiến lược toàn cầu. Tình hình an ninh tại khu vực này sẽ trở nên vô cùng phức tạp nếu Mỹ quyết định rút ra khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Khi kịch bản này thành hiện thực thì mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ bị đẩy lên nấc thang căng thẳng mới trong bối cảnh hai bên vừa rút khỏi INF và chưa dứt khoát về tương lai của Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào đầu năm 2021.

DƯƠNG LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nguy-co-moi-de-doa-an-ninh-chau-au-610058