Nguy cơ Mỹ-Trung va chạm do máy bay không người lái

Việc Mỹ sử dụng một lượng lớn máy bay không người lái (UAV) trinh sát sẽ làm tăng nguy cơ va chạm với quân đội Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời giới chuyên gia quân sự cho rằng, động thái các UAV trinh sát của Mỹ tăng tần suất hiện diện tại nhiều vùng trời xung quanh Trung Quốc đang khiến nguy cơ đối đầu quân sự giữa Washington-Bắc Kinh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng tăng.

Hải quân Mỹ hôm 14/5 đã quyết định triển khai tạm thời hai UAV trinh sát MQ-4C Triton từ căn cứ quân sự Guam tới căn cứ Misawa nằm ở miền bắc Nhật Bản, và đây là lần đầu tiên loại máy bay này được đưa tới đất nước ‘Mặt trời mọc’.

UAV trinh sát MQ-4C Triton. Ảnh: Wikipedia

UAV trinh sát MQ-4C Triton. Ảnh: Wikipedia

“Triton là một hệ thống trinh sát đường không phi vũ trang và không người lái, với mục tiêu giúp tăng cường năng lực tuần tra trên biển cho liên minh Mỹ-Nhật. Các UAV Triton sẽ tham gia hoạt động trinh sát cùng các máy bay hải quân khác, trong đó có máy bay tuần tra trên biển P-8A Poseidon, được triển khai ở căn cứ Misawa nằm ở phía bắc đảo Honshu, Nhật Bản”, thông cáo Hải quân Mỹ cho biết.

“Hoạt động trinh sát sẽ tạo cơ hội cho chúng tôi kiểm tra tính năng tại các vùng biển và nhiều yếu tố môi trường khác nhau”, thông cáo viết thêm.

Đây là lần thứ hai những chiếc UAV MQ-4C Triton trên được triển khai tại một khu vực khác ở Thái Bình Dương, kể từ khi chúng được điều tới đảo Guam hồi năm ngoái. MQ-4C Triton sau đó đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trinh sát tại các vùng biển xung quanh Trung Quốc, bao gồm eo biển Đài Loan, các căn cứ hải quân nằm dọc bờ biển phía đông nước này...

Trong khi đó, Không quân Mỹ hồi tuần trước cũng tuyên bố sẽ sớm triển khai UAV Global Hawks, tương tự với MQ-4C Triton và đóng ở Guam, tới Nhật Bản trong thời gian tới.

“Chúng tôi sẽ chuyển các UAV Global Hawks từ căn cứ Andersen, Guam tới Yokota, Nhật Bản bởi thời tiết vùng Kanto trong mùa mưa bão khá ôn hòa, cũng như tối đa hóa khả năng hỗ trợ trong các nhiệm vụ”, phát ngôn viên Không quân Mỹ nói.

Theo tờ SCMP, dù phía Mỹ tuyên bố sự có mặt của Global Hawks tại Nhật Bản còn có mục đích do thám các hoạt động của Triều Tiên, nhưng với những cảm biến tiên tiến được trang bị, những UAV này có thể dễ dàng thu thập các dữ liệu của Trung Quốc khi chúng hoạt động gần vùng biên giới giữa Trung Quốc-Triều Tiên.

Một số chuyên gia quân sự nhận định, động thái triển khai UAV của Mỹ dường như để tăng cường khả năng giám sát Trung Quốc. Bởi một lượng lớn UAV được trang bị các cảm biến điện tử và camera tiên tiến có thể thay thế máy bay trinh sát có người lái EP-3E Orion trong các nhiệm vụ thông thường.

“Nhưng điều này cũng trở nên rối rắm hơn, chẳng hạn UAV trinh sát không có khả năng chống tàu ngầm, và đến lúc đó sẽ cần tới máy bay có người lái. Để đối phó với máy bay trinh thám của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải sử dụng các biện pháp đánh lừa quang học, các phương pháp đối phó điện tử, bắt giữ hoặc bắn hạ nếu các UAV trên đến quá gần”, chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nói.

Trong khi đó Giám đốc Tổ chức Sáng kiến thăm dò Biển Đông (SCSPI), ông Hồ Ba lại cho rằng, việc Mỹ sử dụng một lượng lớn UAV trinh sát chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ va chạm với quân đội Trung Quốc.

“Mục đích của những hoạt động như vậy đã vượt khỏi việc thu thập thông tin tình báo đơn thuần, cũng như gia tăng áp lực chính trị và gây hấn quân sự đối với Trung Quốc. Bởi mục đích thù địch rõ ràng của Mỹ trong các hoạt động trinh sát, nên các phản ứng của Trung Quốc không chủ yếu nhằm khẳng định các yêu sách kiểm soát vùng biển và vùng trời liên quan, mà họ sẽ quan tâm hơn về những lo ngại an ninh”, chuyên gia Hồ Ba nói với tờ SCMP.

Tuấn Trần

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/nguy-co-my-trung-va-cham-do-may-bay-khong-nguoi-lai-737486.html